THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Rác thải từ Bệnh viện Trung ương Huế: Nguy cơ “bức tử” môi trường?

Công nhân khu xử lý RTYTNH của Bệnh viện Trung ương Huế đưa rác xuống hố chuẩn bị đốt

 

Thiết bị xử lý rác đã lạc hậu… 

Được biết, vào các năm 2009 - 2010, Bệnh viện đã cho xây dựng khu xử lý RTYTNH tại thôn Tân Lập (nay là tổ 19, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy)  với một lò đốt hiệu Hoval MZ4 mua từ nước ngoài. Việc đầu tư xây dựng khu xử lý này nhằm mục đích đưa lò đốt Hoval MZ4 ra khỏi khuôn viên bệnh viện vốn nằm trong trung tâm TP. Huế, để bảo vệ môi trường, cũng như mỹ quan đô thị của thành phố.

Khu xử lý RTYTNH của Bệnh viện tại phường Phú Bài chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011. Ngoài xử lý rác thải phát sinh từ Bệnh viện, khu lò đốt này còn nhận xử lý RTYTNH của các cơ sở y tế khác trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, vì chỉ có 1 lò đốt nên tại đây hay xảy ra tình trạng quá tải. Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bệnh viện đã mua thêm lò Incinner A850 lắp đặt tại khu xử lý. Kể từ đó, hai lò đốt được vận hành song song. Đến năm 2014, khu xử lý RTYTNH của Bệnh viện không nhận xử lý rác từ các cơ sở y tế khác nữa, mà chỉ tập trung xử lý rác thải phát sinh tại đơn vị chủ quản. Song, do lò đốt đã cũ, xuống cấp nên thường xuyên hỏng hóc.

Khi lò đốt còn được vận hành, khói đen bốc lên bao trùm cả một vùng trời (thời điểm tháng 7/2015).

Lãnh đạo bệnh viện Trung ương Huế xác nhận, mỗi khi một lò đốt bị hư hỏng, phải sửa chữa thì sẽ cho vận hành lò còn lại, vì ít khi cả hai lò cùng hỏng một lúc. Tuy vậy, khi tiếp xúc với người dân sống gần khu xử lý rác, chúng tôi lại tiếp nhận nguồn tin với một sự thật…  hoàn toàn khác !

Đốt rác thải nguy hại ở… ngoài trời (?)

Theo phản ánh từ người dân, có thời gian dài các công nhân ở khu xử lý vẫn vận hành hai lò để đốt rác, nhưng thời gian gần đây, cả hai lò đốt này đã không còn hoạt động. Để xác thực vấn đề, chúng tôi đã về thực địa và nhiều lần ghi nhận thật sự không thể ngờ tới.

Ông Tuyến, Tổ trưởng tổ dân cư số 19 phản ánh: “Cử tri ở đây đã phản ánh nhiều lần ra HĐND phường cũng như tại các lần tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thậm chí, ông Nguyễn Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, khi còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã về kiểm tra, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Lúc có đoàn kiểm tra thì họ mang rác vào lò đốt, còn bình thường thì cứ cái hố đào sẵn là công nhân ném rác thải y tế xuống đó rồi tưới dầu lên và châm lửa”.

Đốt rác thải y tế trong cái hố lộ thiên không có gì che chắn.

Trực tiếp quan sát khu vực bên trong khu xử lý RTYTNH của Bệnh viện, chúng tôi tận mắt chứng thực có một cái hố rộng được đào ở ngay bên cạnh lò đốt , hố này không che chắn gì. Hàng ngày, khi RTYTNH được xe chuyên dụng vận chuyển từ Bệnh viện về, được các công nhân trút tất cả xuống hố, sau đó tưới dầu diezel vào và châm lửa đốt. Khi lửa bén vào các loại RTYTNH và bốc cháy, tạo ra một luồng khói đen khủng khiếp. “Gặp khi trời nắng, cộng thêm gió Lào thổi ngược ra, người dân ở đây chịu không nổi với cái mùi hôi, khét lẹt từ việc đốt rác”, ông Tuyến nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định, việc đốt rác thải y tế dù là rác thải chứa trong thùng màu đen hay màu vàng ở ngoài trời, về nguyên tắc là không được phép. “Ngay từ xưa, người ta đã đốt các loại rác thải y tế nguy hại trong các lò đốt được xây bằng gạch và phải bảo đảm nhiệt độ trên 1000 độ C,” ông Thăng quả quyết. Ông Thăng cũng khẳng định, hàng năm các nhân viên từ thu gom, vận chuyển đến xử lý RTYTNH của bệnh viện đều được tập huấn nâng cao kiến thức về RTYTNH và cách quản lý, xử lý, bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, việc xử lý RTYTNH tại khu lò đốt của bệnh viện đang đi ngược hoàn toàn với những gì ông Thăng nói, và trái các quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý RTYTNH của Bộ TN&MT.

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và gây bệnh

Không chỉ đốt rác không đúng quy định, mà cách chôn lấp RTYTNH, nhất là các chất thải lây nhiễm sắc nhọn tại cơ sở xử lý rác của bệnh viện cũng rất sơ sài và đáng báo động. Theo Quy chế quản lý chất thải y tế nguy hại, phương pháp xử lý tiêu huỷ đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải xử lý bằng cách thiêu đốt trong lò đốt chuyên dụng cùng với chất thải lây nhiễm khác, hoặc chôn trực tiếp trong các hố xây xi măng chuyên dùng để chôn vật sắc nhọn: Hố có đáy, có thành và có nắp đậy bằng bê tông. Đó là quy định, còn thực tế diễn ra ở cơ sở xử lý RTYTNH bệnh viện lại hoàn toàn khác. Các công nhân dùng xe máy múc đào những cái hố sơ sài rồi dùng đất thường chôn lấp qua loa. Điều đáng nói, những hố chôn lấp rác thải y tế ở đây nằm bên các sườn đồi, chỉ cần một trận mưa nhẹ là các vật như ống thuốc, lọ truyền…lập tức bị lộ ra và sẽ chảy theo các dòng nước đổ về khu dân cư.

RTYTNH được chôn lấp một cách sơ sài bên cạnh sườn đồi.

Ngoài ra, bên trong khuôn viên khu vực xử lý RTYTNH của bệnh viện còn có một bãi chứa vỏ lọ, chai thuốc, không có mái che, chỉ có 4 hàng rào xung quanh ngăn cách người lạ khỏi vào bên trong. Khi trời mưa, nước ở bãi này cũng như từ khu xử lý sẽ chảy theo suối 7 khe, đổ về các khu dân cư của xã Thủy Phù và những người dân ở thôn 1B sẽ hứng chịu đầu tiên trước khi nguồn nước này đổ ra sông Phú Bài.

Thiết nghĩ, trước đây do trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa có lò đốt để xử lý chất thải nguy hại, trong đó có RTYTNH, nên tỉnh “nương tay”, cho phép bệnh viện vận hành khu xử lý ở Phú Bài. Tuy nhiên hiện nay, Cty môi trường đô thị Huế đã đầu tư một lò đốt đặt ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), nên chăng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu bệnh viện phải đóng cửa khu xử lý rác thải không đúng quy định, quy chuẩn, đồng thời yêu cầu đơn vị này phải xử lý, khôi phục lại nguyên trạng thửa đất mà họ đang dùng để đốt rác theo kiểu… bất chấp cuộc sống và sức khỏe người dân. 

Được biết từ khi đi vào hoạt động, khu xử lý RTYTNH của bệnh viện chưa từng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, không hiểu sao, từ tháng 10/2014, trở về trước, đơn vị này vẫn được phép thu gom và xử lý RTYTNH từ các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cụ Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế ) xác nhận: Sở TN&MT đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Bệnh viện phải lập các thủ tục cần thiết để được cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, khi nào được cấp phép thì mới tiếp tục được hành nghề. Tuy nhiên trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, khu xử lý RTYTNH của Bệnh viện vẫn tồn tại và còn hoạt động theo kiểu hủy hoại môi trường sống… 

THẢO VI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh