THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Ra đường gặp... cử nhân thất nghiệp! (Bài 3)

Gian nan bài toán việc làm

Hơn chục năm về trước, lời cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực trình độ ĐH đã được đưa ra bàn thảo trước Quốc hội. Thực tế buồn ấy, hiện đã trở thành sự thật. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý I-2014 cho biết: Tính đến cuối năm 2013 có hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi, đang thiếu việc làm (chiếm 2,63% tổng số lao động).

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những người có trình độ chuyên môn CĐ, ĐH, thanh niên từ 20-24 tuổi thất nghiệp chiếm tới 20,75%.  Trong đó có hơn 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012.

Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Năm vừa qua, số người đến Trung tâm tìm cơ hội việc làm tăng rõ rệt.

Năm 2014, tổng số lao động đã được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm là 10.810 người, trong đó, trúng tuyển trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm là 10.158 người. Tại các phiên giao dịch việc làm, tỉ lệ lao động có trình độ cử nhân chiếm ưu thế ( 28,54%).

Ra đường gặp... cử nhân thất nghiệp!

Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội luôn tấp nập cử nhân đến tìm cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng  lại không mấy mặn mà chỉ vì lý do họ (các cử nhân, thạc sỹ) không có kỹ năng nghề phù hợp với vị trí tuyển dụng”. Một câu hỏi được đặt ra tại sao ở các ngành đang rất cần nhân lực thì lại không tuyển được người, trong khi lại có đến 72.000 cử nhân, thạc sỹ dư thừa, thất nghiệp? Phải chăng chất lượng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng?

Trao đổi về vấn đề này, PGS, TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Đó là hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh yếu kém, việc điều tiết lượng cung - cầu giữa đào tạo và tuyển dụng, cung cách mạnh ai nấy làm.

Hiện, đầu vào để Bộ GD&ĐT thực hiện quá trình đào tạo chủ yếu dựa trên nguyện vọng của gia đình và cá nhân HS-SV... nên khi ra trường, xảy ra tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu... và phần lớn cử nhân đều làm trái với nghề mình đã học. Trong khi, việc tuyển dụng lại là do mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển phụ thuộc vào kỹ năng công việc và khả năng của phát triển kinh tế tại thời điểm đó.

Lao động trình độ cử nhân dư thừa?

Việc các trường ĐH, CĐ thi nhau tuyển sinh, mở nhiều chuyên ngành đào tạo, không khó để các sinh viên có được trong tay tấm bằng cử nhân sau 4 năm học tập. Chính điều đó dẫn đến ngành nghề đào tạo không phù hợp với xu hướng cần nhân lực có tay nghề của xã hội.

Ông Lê Viết Khuyến, đại diện Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập Việt Nam cho rằng: Việc đào tạo nguồn nhân lực hiện tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là cơ chế quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan.

Ra đường gặp... cử nhân thất nghiệp!

Cử nhân tìm thông tin về việc làm. 

Việc đào tạo không bám vào chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương, “thả nổi” cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Ngoài ra trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hầu như không có sự quyết liệt phân luồng với người học và cả sự phân tầng cơ sở giáo dục.

Các chuyên gia cho rằng, công tác quy hoạch hệ thống trường, cơ sở đào tạo phải được coi trọng và ưu tiên hàng đầu, nhưng hiện đây là vấn đề còn rất nhiều tồn tại. Bên cạnh đó, năng lực dự báo nhu cầu nhân lực của các cơ quan chuyên trách cũng hạn chế, chưa đưa ra con số cụ thể ngành, nghề này cần bao nhiêu nhân lực trong 5 năm hoặc xa hơn trong 10 năm, 15 năm.

Hậu quả là quy mô phát triển ồ ạt đào tạo CĐ, ĐH không  gắn với nhu cầu sử dụng, dẫn đến đào tạo tràn lan, ra trường cử nhân không tìm được việc làm, cũng là điều dễ hiểu.

Không học hành, không bằng cấp chịu cảnh thất nghiệp là chuyện đương nhiên. Nhưng, tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng lan rộng với hàng vạn cử nhân, thạc sỹ có trình độ chuyên môn mỗi năm là hiện trạng không thể bỏ qua.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có một nguyên nhân xuất phát từ việc sinh viên hiện nay thường đổ lỗi cho phương pháp giáo dục, cho xã hội, mà chưa tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân mình.

PGS, TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực cho biết: Thời kỳ bao cấp, đào tạo nhân lực bao nhiêu thì cung ứng cho thị trường lao động bấy nhiêu.

Nếu ráp điều đó vào hiện tại, với số lượng hàng chục vạn sinh viên ra trường mỗi năm như hiện nay, việc bố trí việc làm trở nên rất khó khăn. Trong khi, cơ cấu nghề nghiệp đang chững lại ở mức ổn định, có phát sinh nghề  mới nhưng không đáng kể.

 “Xã hội đang thay đổi từng ngày, không thể cứ nghĩ rằng ra trường sẽ được làm đúng ngành, đúng nghề được đào tạo. Việc có tấm bằng cử nhân hay thạc sỹ, cũng chỉ là một cơ hội cần.

Còn yếu tố đủ còn phải do sự năng động, ý thức rèn luyện tay nghề, kỹ năng mềm và nhiều yếu tố khác, hiện rất nhiều bạn trẻ còn thiếu... Nhà trường chỉ là nơi trang bị kiến thức chung, sau đó các bạn phải hoàn thiện, thay đổi bản thân cho phù hợp với yêu cầu hiện tại...” PGS, TS Phạm Văn Sơn đưa ra lời khuyên.

M.H

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh