THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Ra đường gặp... cử nhân thất nghiệp!

Thay vì làm đúng chuyên môn, nhiều sinh viên ra trường phải làm nghề "tay trái" để kiếm sống. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Cử nhân xuất cảnh làm cửu vạn

Chuyện “thừa thầy thiếu thợ”, hoặc  “cử nhân giấu bằng để được làm công nhân”,... là những chuyện có thật hiện nay. Nguyên do có nhà tuyển dụng chỉ cần lao động phổ thông, chứ không cần người có bằng cấp, còn nơi cần bằng cấp thì họ đã có đủ nhân lực, họ không trả theo công của “thầy” về để làm “thợ”.

Anh Nguyễn Trường Đoài, quê ở Thái Bình, người có bằng cử nhân đã lâu, từng lặn lội khắp nơi để xin việc nhưng không thành, tâm sự: “Không nơi nào nhận tôi ngoài các công việc là vác sắt, trộn vữa, khiêng gạch.

Học xong không xin được việc, tôi lại về quê cày ruộng. Thấy vậy, có người mỉa mai: Con tao chả cần học đại học, giờ nó đi làm công nhân cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng/tháng, học cao làm đếch gì, rồi cũng làm ruộng như người không học mà thôi...”.

Vốn được xem là vùng đất thu hút nhân tài, Đà Nẵng sớm trở thành đích đến của nhiều sinh viên, trong đó có Đoài. Nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng. Vào Đà Nẵng không xin được việc, Đoài ra Thanh Hoá, rồi về Thái Bình, lên Hà Nội, lại quay ngược vào Nam.

Cực chẳng đã, chàng cử nhân này tìm đến các công ty xuất khẩu lao động. Đi Nhật, đi Nga, thì nhiều tiền quá, Đoài lại bàn với gia đình, chạy vạy, vay mượn được 60 triệu đồng. Với số tiền đó, Đoài đã sang Irael, để tiếp tục... lao động chân tay.

Đoài cho biết: “Kết thúc chuyến ra nước ngoài làm “cửu vạn”, tôi trở về và vẫn chưa tìm được công việc ổn định, vẫn phải đi làm những việc trái ngành”.

cử nhân thất nghiệp, khoogn xi được việc làm

Vì không xin được việc, Bùi Văn Dư, cử nhân Sinh môi trường đã phải sang Trung Quốc làm cửu vạn.

Cũng giống như Đoài, Bùi Văn Dư ở quê Thanh Hoá cũng rơi vào cảnh tương tự. Dư tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Sinh môi trường. Ngoại ngữ, tin học anh cũng được xem là hơn nhiều người. Nhưng rồi, Bắc - Trung - Nam, không nơi nào nhận anh vào làm việc.

Cuối cùng anh quyết định theo trai làng sang Trung Quốc làm “cửu vạn”. Dư cho biết: “Công việc vất vả, khi container đưa hàng đến, chúng tôi xúm lại bốc vác, từ việc nhỏ đến việc to, rồi từ sáng sớm cho đến đêm khuya.

 Kiếm được đồng tiền nơi đất khách đâu phải dễ. Nguy cơ bị quỵt tiền có, nguy hiểm đến tính mạng cũng có,... nhưng không xin được việc đành đi làm “cửu vạn” với đám trai làng”.

Ngồi trên giảng đường, hướng về các KCN

Tại KCN Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), tôi gặp nữ công nhân tên Lê Thị Cảnh, quê ở Nam Định. Nhìn nữ công nhân này, chắc không ai nghĩ từng là một sinh viên có nhiều thành tích trong học tập.

Nhưng giờ, vẫn là cái xe đạp cũ, màu áo sờn bạc,Cảnh tâm sự: “Không phải là em không chịu đi xa để xin việc, kể cả vào Tây Nguyên em cũng đi rồi. Nhưng vẫn không xin được nên em xin lên đây làm công nhân. Lương công nhân ba cọc ba đồng, thôi thì có ít tiêu ít, tằn tiện cũng đủ sống qua ngày chứ chả biết cách nào”.

Anh Toàn (chồng Cảnh), cũng là một cử nhân chuyên ngành sư phạm, nhưng công việc của anh bây giờ là sửa xe máy tại KCN Quế Võ. Trò chuyện với tôi, Toàn cười: “Học sư phạm, lại thành thợ sửa xe, kể ra cái duyên cũng lạ. Nhưng chả biết làm sao, về quê thì biết làm gì để sống, mà ra thành phố thì chả xin được việc, thôi thì học lấy cái nghề gì đó để làm cho qua ngày vậy thôi”.

Tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), tôi gặp Nguyễn Danh Thế đã tốt nghiệp đại học được 2 năm và gần 1 năm kinh nghiệm trong việc chở giấy đi giao cho các đại lý.

Đêm đông rét mướt thế này, nhưng cứ hơn 4 giờ sáng Thế đã phải dậy để đi giao hàng. Đến chiều, anh lại đi bưng bê cho nhà hàng ăn uống. Cơ cực là thế, vất vả là thế, nhưng chẳng còn cách nào khác để lựa chọn.

cử nhân thất nghiệp, khoogn xi được việc làm

Cử nhân Thế phải làm công việc giao hàng, một công việc không đòi hỏi bằng cấp.

Thế tâm sự: “Nợ nần nhiều quá anh ạ. Bố mẹ gần như kiệt quệ về kinh tế và sức lực sau khi nuôi anh em tôi học đại học. Song, giờ cả hai anh em đều không xin được việc. Số tiền nợ do bố mẹ tôi vay cho chúng tôi học thì vẫn còn đó, đã trả được đâu. Hết cách. Anh trai tôi đã làm đơn đi xuất khẩu lao động mấy lần nhưng không được, vì chi phí đi cao quá, gia đình tôi không lo nỗi”.

Đi tìm hiểu để viết bài này, tôi gặp nhiều cử nhân, gần như họ đã “vứt” cái mác cử nhân và kiến thức đã học được trong giảng đường đại học. Có người không xin được việc, họ về quê lập gia đình rồi mãi mãi “chôn” tấm bằng cử nhân trong tủ.

Có người thất nghiệp, đi học cao học, song học xong cao học quay ra lại vẫn thất nghiệp, lại làm những việc trái ngược với chuyên môn được đào tạo. Tôi cũng bắt gặp những người tay cầm hồ sơ, mặt nhợt đi vì không xin được việc, họ rệu rã từng bước chân trên phố hoặc bất cứ nơi nào treo biển tuyển dụng,...

Đó thực sự là những điều rất đáng quan ngại khi chưa ai lường trước hệ luỵ gì sẽ xảy ra khi những cử nhân này thất nghiệp và đó không còn là vấn đề của riêng ai. 

Lượng cử nhân ra trường không có việc làm tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm ngày càng đông

* Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến tạm dừng xem xét mở ngành đang thừa nhân lực đầu ra thuộc khối kinh tế. Như Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển sinh giảm khá mạnh. Năm 2015 chỉ tiêu dự kiến của trường vẫn giảm và quyết định bỏ luôn việc tuyển sinh và đào tạo bậc cao đẳng ngành tài chính ngân hàng. Tương tự, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng giảm dần chỉ tiêu trong 4 năm gần đây. Cụ thể, từ 4.000 chỉ tiêu (năm 2012) xuống còn 3.000 (năm 2015).

* Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, nhìn nhận: “Phần lớn sinh viên của chúng ta chưa có khát vọng được làm việc thực sự. Nếu có, số đó vẫn còn rất ít. Các bạn thi được vào trường đại học xong có tâm lý nghỉ ngơi, thư giãn. Đến khi ra trường lại có tâm lý “may hơn khôn” hoặc cố gắng tìm cách xin vào các cơ quan nhà nước với tâm lý muốn ổn định, nhàn rỗi. Trong khi đó, lẽ ra đây phải là quãng thời gian học tập và trải nghiệm lớn nhất của tuổi trẻ. Học ngoại ngữ, học những kỹ năng mình chưa biết, chưa thành thạo, tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn, đi và trải nghiệm nhiều hơn nếu muốn ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh