THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:16

Quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

 

Ở khía cạnh kinh tế, thất nghiệp không tạo được sự gắn kết giữa sức sản xuất với đối tượng lao động, với tư liệu sản xuất, tức là cơ sở để phát huy sức sản xuất. Thất nghiệp gắn liền với giảm sản xuất, giảm sức phát triển của nền kinh tế và sẽ là yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Thất nghiệp có nghĩa là có một bộ phận nguồn nhân lực không được sử dụng, đang bị nhàn rỗi, lãng phí và gây những tác động tiêu cực, thậm chí triệt tiêu tăng trưởng kinh tế.
Về mặt xã hội, thất nghiệp sẽ góp phần tăng chi nguồn lực của xã hội để hỗ trợ cho đối tượng thất nghiệp. Không có việc làm sẽ là nguyên nhân, nguồn gốc của sự nghèo đói, chậm phát triển, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Ở khía cạnh này, thất nghiệp còn gián tiếp phản ánh mức độ lành mạnh, sự ổn định và sự phát triển bền vững của xã hội.

Giải quyết chế độ cho người thất nghiệp.
Đối với người lao động, thất nghiệp hay không có việc làm sẽ khiến họ mất nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình, điều này đồng nghĩa với việc về lâu dài họ sẽ rơi vào tình trạng dưới mức sống tối thiểu chung. Bên cạnh đó, người lao động thất nghiệp cũng khiến họ mất khả năng nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, cản trở cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, nâng cao mức thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân cũng như sự đóng góp cho sự phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo hiểm...
Với mặt trái của hiện tượng thất nghiệp như trên nên các quốc gia rất coi trọng và sớm tìm hướng giải quyết. Quy định pháp luật sơ khởi về bảo hiểm thất nghiệp có thể thấy ở Na Uy, Đan Mạch từ những năm đầu của thế kỷ 20. Các quy định pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các quỹ bảo hiểm thất nghiệp với nguyên tắc sự tham gia tự nguyện và hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Các quy định này được phổ biến và áp dụng ở các nước khác ở Châu Âu cả trong và sau thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bên cạnh hình thức bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, một số quốc gia khác ở Châu Âu như Anh, Italya... lại áp dụng hình thức bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Từ hai hình thức bảo hiểm thất nghiệp này, dần dần nhiều quốc gia khác trên thế giới đã lựa chọn, phát triển, hoàn thiện và áp dụng hình thức bảo hiểm thất nghiệp phù hợp ở quốc gia mình.
Người thất nghiệp được học nghề.
Ở Việt Nam, bước vào giai đoạn phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường từ năm 1986, hiện tượng thất nghiệp đã phổ biến và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Khắc phục tình trạng trên, thời gian đầu, Nhà nước đã ban hành các chính sách như chính sách trợ cấp thôi việc, tạm ngừng việc theo các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, chế độ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động, trợ cấp cho lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước... Đây là các chính sách sơ khởi trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp ở nước ta. 
Nghị quyết Đại hội Đảng lần VIII năm 1996 nêu rõ “Từng bước hình thành quỹ bảo trợ thất nghiệp ở thành thị, đảm bảo công ăn việc làm cho dân là mục tiêu hàng đầu, không để thất nghiệp trở thành căn bệnh kinh niên...". Đây là tư tưởng tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện Đảng và là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành năm 2016, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam. Sau một thời gian thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện trong Luật Việc làm ban hành ngày 16/11/2013 và có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015. Tư tưởng xuyên suốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là các quy định về quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì được Nhà nước đảm bảo cho hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện do luật định, các quy định để bảo đảm quyền này như Điều 41 Luật Việc làm nêu nguyên tắc những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới được quyền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp dựa trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động cũng được hưởng lợi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi luật quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải đóng góp vào Quỹ này bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để đảm bảo an toàn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Luật cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp  của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương đảm bảo, tức Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được Nhà nước đảm bảo hỗ trợ. Đây chính là quy định thể hiện tính nhân văn trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ tối ưu quyền, lợi ích cho người lao động và thể hiện tính ưu việt của hình thức bảo hiểm này so với các hình thức bảo hiểm khác trong xã hội  không có sự bảo lãnh của Nhà nước. 
Thứ hai, người thất nghiệp được quyền hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Điều 54 Luật Việc làm quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua hệ thống 63 trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở lao động - Thương binh và Xã hội ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Người thất nghiệp thông qua hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tăng khả năng có được việc làm nhanh hơn so với việc tự kiếm việc. 
Thứ ba, người thất nghiệp được quyền hỗ trợ học nghề. Việc hỗ trợ học nghề giúp người thất nghiệp được đào tạo lại hoặc đào tạo mới để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, tăng cơ hội cho họ quay lại thị trường lao động, sớm có việc làm.
Thứ tư, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Việc làm. Theo quy định này thì ngay cả khi người lao động vẫn đang làm việc tại doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến người đang làm việc có nguy cơ mất việc làm thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi trả kinh phí cho người đang làm việc để họ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm.
Thứ năm, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chế độ trợ cấp thất nghiệp chính là một khoản tiền mà người thất nghiệp được hưởng trong thời gian mất việc và do Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trả.
Luật cũng quy định các hình thức đảm bảo cho người thất nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các quyền hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như người thất nghiệp có thể ủy quyền cho người khác tiến hành các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, có thể chuyển địa điểm nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp để thuận tiện cho người thất nghiệp nhận tiền trợ cấp...
Thứ sáu, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được quyền hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi người lao động đang có việc làm, đang tham gia bảo hiểm y tế thì đương nhiên sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, theo Điều 51 Luật Việc làm quy định kể cả khi người lao động mất việc làm, mặc dù họ không tham gia bảo hiểm y tế, không đóng bảo hiểm y tế nhưng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ phải chi trả phí đóng bảo hiểm y tế để người thất nghiệp được quyền hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp.
Thứ bảy, người thất nghiệp được quyền khiếu nại, tố cáo khi họ thấy quyền và lợi ích không được đảm bảo. Luật quy định cụ thể các quyền mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng. Tuy nhiên, khi người lao động thấy một trong các quyền trên bị xâm hại thì họ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đảm bảo cho họ được hưởng đầy đủ các quyền trên.

VĂN PHÒNG CỤC VIỆC LÀM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh