Chính sách bảo hiểm thất nghiệp - Từ mục tiêu đến thực tiễn triển khai
- Bài thuốc hay
- 00:43 - 17/07/2019
Nhận thức được điều này, vấn đề thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp đã được khẳng định trong văn kiện của Đảng và được thể chế hóa bằng các chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Từ năm 1986, khi nước ta bắt đầu quá trình đổi mới với những cải cách kinh tế nhằm chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Điều 140 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002 lần đầu tiên quy định nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, Nhà nước quy định chính sách bảo hiểm xã hội nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình trong các trường hợp người lao động thất nghiệp.
Chính phủ quy định cụ thể việc đào tạo lại đối với người lao động thất nghiệp, tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện và mức trợ cấp thất nghiệp, việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Giai đoạn 2006 - 2014, do đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới công nghệ và tác động của các hiệp định song phương, cung lao động vượt quá cầu lao động cùng với sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố, tình trạng mất việc làm trở thành một vấn đề bức xúc.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kể từ ngày 1/1/2009; bảo hiểm thất nghiệp gồm 4 chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Sau đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp/bảo hiểm việc làm tại các nước trên thế giới, với việc xác định lại mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng lại hỗ trợ người lao động về thu nhập, kỹ năng khi bị thất nghiệp để mau chóng tìm được việc làm mới, mà quan trọng hơn là phải duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm, trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện từ ngày 1/1/2015 cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (ví dụ: Bỏ thủ tục đăng ký thất nghiệp, đơn giản hóa một số giấy tờ trong hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp).
Về bản chất bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ quan hệ lao động và hoạt động chủ yếu dựa trên tình trạng việc làm của người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động... Trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách và việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan, ban, ngành xác định rõ mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, họ còn được hưởng bảo hiểm y tế. Thông qua các hỗ trợ này tạo điều kiện để phát triển việc làm bền vững và góp phần giảm thiểu tối đa số người lao động rời khỏi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Bảo hiểm thất nghiệp phải gắn với thị trường lao động và do cơ quan dịch vụ việc làm công thực hiện. Từng bước đổi mới mô hình tổ chức thức hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
Gần 10 năm qua, nhất là sau khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện. Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động... trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.
Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thu - chi và quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”; tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao,với các kết quả đáng khích lệ như sau:
(1) Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động, doanh nghiệp không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động nhưng quyền lợi người lao động được đảm bảo khi gặp rủi ro về việc làm thông qua việc nhận các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
(2) Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự thể hiện nguyên tắc “đóng - hưởng”, nguyên tắc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, qua đó thúc đẩy gắn kết xã hội.
(3) Số lượng đối tượng tham gia và quy mô Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, dịch vụ hỗ trợ người thất nghiệp ngày càng đa dạng, linh hoạt, thực sự hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đến hết năm 2018, cả nước có 12,68 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động cả nước và bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; gần 4,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho 163 nghìn người. Một số địa phương có số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao là: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Long An...
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn. Có thể nói đây là chính sách sớm đi vào cuộc sống và hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao, góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ thiết thực cho người sử dụng lao động, người lao động trong việc học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc.
(4) Công tác tài chính đã đáp ứng đầy đủ kịp thời cho các hoạt động để triển khai thực hiện các chế độ BHTN, nhất là liên quan đến nhân sự, cơ sở vật chất và các hoạt động.
Bên cạnh những mặt được, quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế:
(1) Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động còn gặp khó khăn, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp còn khá lớn. Tính đến năm 2017 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 294 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
(2) Ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế.
(3) Công tác quản lý lao động còn hạn chế.
(4) Cần có các chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với người sử dụng lao động để ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động.
Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó bao gồm bảo hiểm thất nghiệp) để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch, với một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
- Giai đoạn đến năm 2031: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên cũng như để đạt hiệu quả việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Hai là tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đi đôi với chú trọng đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp.
Bốn là, cải tiến mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động.
Năm là, tăng cường ứng dụng nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện giao dịch điện tử trong tham gia và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ dữ liệu thu - chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bảy là, tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe, giaikhe
7 tháng trước
Tin nên đọc