THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

 

Hiện trên thế giới có khoảng hơn 80 quốc gia đã xây dựng chương trình bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm với mục đích như sau:
Bảo hiểm thất nghiệp: Lấy chế độ trợ cấp thất nghiệp làm trọng tâm, với mục đích là chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người thất nghiệp và các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp sớm tìm được việc làm.
Bảo hiểm việc làm: Không chỉ hướng đến trợ cấp thất nghiệp mà liên kết chặt chẽ trợ cấp thất nghiệp với các chương trình thị trường lao động, tiến tới bảo đảm việc làm bằng tăng khả năng thích ứng và tay nghề cho người lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, ứng dụng hiệu quả nguồn nhân lực quốc gia. 
Việt Nam là nước thứ 2 ở Đông Nam Á thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và được ILO đánh giá là nước thực hiện thành công chính sách này. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, Việt Nam đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm, có thể rút ra những kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách này như sau:
(1) Thời kỳ đầu triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chú trọng đến các giải pháp để giải quyết hậu quả thất nghiệp, về lâu dài sẽ chú trọng đến các biện pháp duy trì việc làm, bảo vệ việc làm, ngăn ngừa tình trạng thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp trở thành một phần quan trọng của chính sách thị trường lao động chủ động, là công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả.
Các nước trên thế giới đều có xu hướng thay thế chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành chính sách bảo hiểm việc làm với rất nhiều chính sách ưu việt. Theo đó, xây dựng chính sách một cách toàn diện không chỉ hỗ trợ người lao động sau khi bị mất việc làm mà còn có các biện pháp chủ động hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo việc làm, duy trì việc làm trong thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Một số nước đã thực hiện bảo hiểm việc làm như: Nhật Bản (1975), Hàn Quốc (1995), Canada (1996)... Ngoài ra, dù chưa đổi tên thành bảo hiểm việc làm nhưng chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở các nước đã có sự kết hợp giữa các chính sách xúc tiến việc làm thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp như: Đan Mạch, Pháp, Đức... Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm tập trung vào việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
- Các chế độ hỗ trợ đối với người lao động: (1) Trợ cấp thất nghiệp (tất cả các quốc gia thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm); (2) Hỗ trợ tìm việc làm (tất cả các quốc gia thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm); Hỗ trợ đào tạo nghề (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Mông Cổ...); (4) Bảo hiểm y tế (Argentina, Nhật Bản...); (5) Trợ cấp thai sản (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (6) Trợ cấp nuôi con nhỏ (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (7) Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (Trung Quốc); (8) Hỗ trợ người lao động khởi nghiệp, tự tạo việc làm (Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Mông Cổ...); (9) Trợ cấp lương vĩnh viễn dành cho người mất một phần khả năng lao động (Đan Mạch)...
- Các chế độ hỗ trợ đối với người sử dụng lao động: (1) Hỗ trợ người sử dụng lao động cải thiện môi trường làm việc, thay đổi cách bố trí công việc tại doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (2) Hỗ trợ tuyển dụng người lao động thuộc nhóm đối tượng đặc thù như thanh niên, người tàn tật, người cao tuổi (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (3) Hỗ trợ tiền lương đối với doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (4) Hỗ trợ về thuế, tín dụng (Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina...); (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...); (6) Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện/mở rộng sản xuất, kinh doanh (Hàn Quốc, Canada, Bahrain); (7) Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kỹ năng tuyển dụng đối với doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...).

Hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam đã xây dựng theo hướng có biện pháp chủ động, phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động thông qua chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đây là một chế độ mới nên các điều kiện để hưởng chế độ này còn là rào cản lớn, người sử dụng lao động khó đủ điều kiện để hưởng chế độ này. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét, sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm theo hướng sửa đổi, bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ việc sử dụng hiệu quả Qũy bảo hiểm thất nghiệp nhằm phong ngừa, giảm thiểu thất nghiệp, nâng cao đời sống của người dân cũng như thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
(2) Bộ máy tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo thống nhất để kịp thời hỗ trợ các đối tượng trên phạm vi cả nước; gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện, phát huy giá trị cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ về dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
- Bảo hiểm thất nghiệp phải gắn với việc làm, thị trường lao động nhằm phát huy giá trị cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm, hướng nghiệp và đào tạo nghề để hạn chế sa thải lao động, bảo vệ vị trí việc làm của người lao động, sau đó mới đến các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. 
- Việc thu bảo hiểm thất nghiệp thường do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cơ quan thuế chịu trách nhiệm thực hiện (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan). Cơ quan thuế sẽ dựa trên quyết toán chi phí lao động, kê khai thuế của các doanh nghiệp để tính ra phí bảo hiểm phải nộp một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn. Cơ quan bảo hiểm xã hội theo dõi các khoản bảo hiểm và có thông báo đối chiếu với doanh nghiệp hàng tháng. Ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn chịu trách nhiệm giải quyết các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,...
Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đều do cơ quan dịch vụ việc làm công thực hiện (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Argentina, Canada). Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, cần thiết phải thay đổi cả về phương thức quản lý và mô hình tổ chức, thay vì quản lý theo theo đơn vị hành chính thì phải chuyển sang quản lý theo hệ thống đảm bảo sự thông suốt, nhất quán từ trung ương đến địa phương, chuyển từ quản lý phân tán sang quản lý tập trung.
- Việc chi bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan bảo hiểm xã hội (Bahrain, Trung Quốc, Mông Cổ) hoặc do cơ quan lao động thực hiện, nhưng tại một số nước thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm thì việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp được giao cho cơ quan lao động để đảm bảo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động không phải đi lại nhiều nơi trong quá trình bảo hiểm thất nghiệp (Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Đức). Đây cũng là nội dung cần thay đổi đối với tổ chức bộ máy ở nước ta trong thời gian tới.
(3) Nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải được đảm bảo về số lượng, chất lượng, được chuẩn hóa, được đào tạo. 
Theo Công ước số 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm thì Chính phủ cần duy trì hệ thống dịch vụ việc làm công miễn phí, thống nhất đặt dưới sự quản lý của một cơ quan quốc gia; hệ thống dịch vụ việc làm công bao gồm các văn phòng ở cấp quốc gia, vùng, miền, thuận tiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận; ban hành cơ chế để thực hiện việc tham vấn các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, tổ chức của người lao động về tổ chức và hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm khi xây dựng các chính sách về dịch vụ việc làm. Cũng theo Công ước này,  nhân sự của cơ quan dịch vụ việc làm phải gồm những viên chức Nhà nước, có quy chế và điều kiện công tác để khiến họ không phụ thuộc bất cứ sự thay đổi nào trong Chính phủ và mọi ảnh hưởng không đúng đắn từ bên ngoài, và ngoại trừ những nhu cầu của dịch vụ để đảm bảo cho họ được ổn định trong công tác; việc tuyển dụng nhân viên vào các công sở, việc tuyển dụng các viên chức của cơ quan dịch vụ việc làm chỉ duy nhất xét theo năng lực của họ để thi hành được các nhiệm vụ sẽ đảm đương; các viên chức của cơ quan dịch vụ việc làm phải đào tạo thích hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hiện nay, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Thái Lan... đã tham gia Công ước này, theo đó, nhân sự về bảo hiểm thất nghiệp tại các quốc gia này cũng đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn nêu trên.

Ngày 28/12/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký điều ước quốc tế đa phương, Quyết định số 2515/2018/QĐ-CTN về việc gia nhập công ước số 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm, do đó, trong thời gian tới, hệ thống dịch vụ việc làm công và nhân sự của hệ thống này tại nước ta cũng phải được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của Công ước 88.
(4) Qũy bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo chi phí cho mọi hoạt động về bảo hiểm thất nghiệp, các hoạt động khác của hệ thống dịch vụ việc làm công lấy từ ngân sách nhà nước
Các nước xây dựng cơ chế tài chính Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đạt hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, chi phí tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp do Qũy bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo. Bên cạnh phần chi cho các chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động, Qũy còn được sử dụng vào các mục đích như: chi cho các hoạt động để hỗ trợ về tư vấn việc làm, hướng nghiệp; chi cho các công tác về thông tin thị trường lao động; chi lương cho nhân sự của cơ quan lao động; chi xây dựng cơ bản, chi sửa chữa máy móc thiết bị và các khoản chi thường xuyên cho hoạt động của hệ thống cơ quan thực hiện; chi các khoản phúc lợi, khen thưởng cho nhân sự thực hiện (Đức, Hàn Quốc). 
(5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin liên ngành trong quá trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
Các nước đều nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa cơ sở vật chất trong quản lý, xây dựng quy trình thực hiện thống nhất, tập trung để kiểm soát chặt chẽ từ đối tượng tham gia đến các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Một số quốc gia phát triển đều sử dụng thẻ điện tử để ghi nhận quá trình đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tình trạng việc làm của người lao động (Canada, Đức). Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin liên ngành trong quá trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp là đặc biệt quan trọng để giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí đi lại và thủ tục khi giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tránh việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.
(6) Tăng cường chế tài xử phạt về trốn đóng, nợ đóng, trục lợi Qũy bảo hiểm thất nghiệp
Để triển khai thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì cần hạn chế tối đa các hành vị trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh xử phạt ở mức cao đối với các hành vi này, các nước đều chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động để họ nhìn thấy rõ các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia và thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

PHÒNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP - Cục việc làm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh