Quyền Trưởng khoa bệnh viện E nhận tiền triệu từ bệnh nhân
- Pháp luật
- 16:34 - 27/06/2015
Nặng, nhẹ đều… mổ?
Theo trình bày của bệnh nhân, tối 15/5, chị Lê Thị Hồng Nhung (SN 1989, trú tại Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) đang lưu thông trên đường thì bị va quệt xe máy, máu chảy nhiều ở bàn tay trái. Vết thương tuy không lớn nhưng gây đau đớn và khó cầm máu.
Sau đó, chị Nhung được đưa vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện E Trung ương (đường Trần Cung, Hà Nội), đồng thời, đóng khoản tiền tạm ứng là 3 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu T (quyền Trưởng khoa Cơ xương khớp), người trực tiếp thăm khám cho chị Nhung, ban đầu nói rằng, vết thương không đáng ngại và chị sẽ được nắn xương, bó bột.
Biên lai thu viện phí của chị Nhung không thể hiện khoản tiền thu ngoài của bác sĩ T.
Tuy nhiên một lúc sau, vị bác sĩ này đến tận giường bệnh nhân rồi thông báo lại: Sau khi xem xét kỹ các tấm chụp chiếu và hội ý tại khoa Cơ xương khớp, chị sẽ phải mổ để nẹp vít.
Cụ thể, một cây kim trị giá 3 triệu đồng sẽ được các bác sĩ mua hộ, xuyên vào các khúc xương gãy để giúp chúng cố định và thẳng hàng với nhau.
Thấy vết thương nhỏ nhưng cách đặt vấn đề lại rất nghiêm trọng, chị Nhung gọi điện cho chồng là anh Phùng Bình (SN 1983) để xin ý kiến.
Cùng ngày 15/5 còn có anh Lưu Huy Dư (SN 1981, trú tại xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên) nhập viện E vì gãy xương chân trái. Anh được bác sĩ T chỉ định mổ và cũng lâm cảnh tương tự, tức là được yêu cầu đóng thêm nhiều khoản tiền khác nhau.
Anh Lưu Huy Dư (Hưng Yên) phải nộp tới 10 triệu đồng để được mổ chân.
Trong trường hợp của anh Dư, số tiền phải chi thêm ngoài những khoản chính thống là 10 triệu đồng. Trong đó, phí đinh vít là 7,5 triệu đồng, phí bồi dưỡng kíp mổ là 2,5 triệu đồng. Vợ chồng anh cũng được giải thích: "Vật liệu này viện E không có, bác sĩ mua hộ".
Phản ánh đến PV, vợ anh Dư là chị Liên cho biết, sở dĩ anh được đưa vào viện E là thông qua lời giới thiệu của một đồng hương.
Lo sợ sử dụng vật liệu trôi nổi
Trở lại câu chuyện của chị Nhung, sau khi thống nhất các phương án, chị được mổ vào sáng sớm hôm sau (16/5).
Bên ngoài hành lang phòng mổ, bác sĩ T gặp riêng chồng chị Nhung và đề nghị thanh toán khoản tiền 3 triệu đồng (tiền bác sĩ mua hộ kim để xuyên vào các khúc xương gãy để giúp chúng cố định và thẳng hàng với nhau - PV).
Muốn để bằng chứng thêm rõ nét, anh Bình bật máy ghi âm và hỏi về nguồn gốc chiếc kim, thì được vị bác sĩ giải thích đó là cây kim xịn, nhập ngoại, thứ mà bệnh viện E không có, các bác sĩ chỉ là người mua hộ.
Tuy nhiên khi anh Bình yêu cầu cung cấp hóa đơn, vị quyền trưởng khoa không cung cấp được. Anh Bình liền lấy lý do không mang tiền để và hẹn thanh toán sau.
Chị Liên (phải) đang tỉ mỉ kể lại với PV những khoản tiền chị phải đóng kể từ khi đưa chồng nhập viện
Sự chậm trễ của anh Bình ngay lập tức bị phản ứng. Theo lời kể, chỉ trong 2 ngày lần nữa không chịu thanh toán, anh Bình và vợ liên tục bị "nhắc nhở". Lúc thì trực tiếp bên giường bệnh, lúc thì qua điện thoại.
Cuối cùng, anh Bình đành xuống nước và được bác sĩ T hẹn giao tiền tại phòng riêng của ông, ở phòng 109, tầng I, khoa Cơ xương khớp.
Tương tự, chị Liên (vợ anh Dư) khi được đề nghị thanh toán 10 triệu đồng cũng đặt câu hỏi về nguồn gốc những chiếc đinh vít, nhưng đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Không có bất cứ giấy tờ biên nhận nào được lập cho khoản thu 3 triệu đồng này (ảnh cắt từ clip)
Tuy nhiên chị vẫn đồng ý thanh toán và đưa trước cho bác sỹ T 5 triệu đồng ngay bên ngoài hành lang phòng mổ. Số còn lại, được chị thanh toán tại phòng riêng của vị quyền trưởng khoa vào sáng thứ 2, ngày 18/5.
Cả hai cuộc giao nhận trên đều có điểm chung: bác sỹ T sau khi nhận tiền từ người đối diện đều rất nhanh cất vào ngăn bàn; không có giấy tờ biên nhận và sử dụng lời nói để đảm bảo cho các vật liệu đưa vào cơ thể người bệnh.
"Cái giấy ra viện chính là bảo đảm", ông nói.
Bác sĩ T tỏ thái độ kẻ cả khi bị thắc mắc quá nhiều về nguồn gốc những chiếc đinh vít
Khi bị thắc mắc quá nhiều về nguồn gốc xuất xứ và các hóa đơn chứng từ, ông ngả người ra ghế, nói giọng kẻ cả:
“Đấy là vật liệu tiêu hao, không có hóa đơn..., trong tay bác sĩ mà cần bảo hành?. Chưa có trường hợp nào cần bảo hành hết, yên tâm đi?”. Đồng thời thể hiện thái độ như muốn tiễn khách.
Sau khi trao xong số tiền, chị Liên lo lắng tâm sự: "Nộp tới 10 triệu đồng mà không hiểu họ đưa cái gì vào chân chồng mình?".
Đã thế, chị Liên lại được tiếp tục đề nghị đóng thêm 5 triệu đồng nữa để mua nẹp chân. Nhưng lần này chị từ chối vì đã hết tin tưởng.
Còn anh Bình thì thở hắt, nói: "Thôi nhờ Trời, hy vọng y đức của họ còn đủ tử tế để không đưa những đồ vớ vẩn vào người vợ tôi".
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc