CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Quỹ vay vốn tạo việc làm là “đòn bẩy” giải quyết việc làm cho lao động tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thoát nghèo nhờ Quỹ vay vốn tạo việc làm

Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, trong năm 2021, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần duy trì ổn định việc làm cho hơn 47.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 15.000 lao động; giúp cho 5.290 hộ vay vốn để đầu tư, cải tạo, xây dựng 10.580 công trình nước sạch.

Giúp cho 1.500 lượt hộ gia đình vay vốn để trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Đào tạo nghề,… giúp cho 1.174 lượt hộ gia đình được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các xã thuộc vùng khó khăn.

Đồng thời, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã giúp cho 60 lượt hộ vay mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở. Giúp cho 11 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất,...

Trong căn nhà cấp 4 được tận dụng làm cơ sở may gia công, bà Nguyễn Thị Oanh (ấp 2 Đông, xã Bàu Lâm) cho biết, năm 2017, được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Lâm, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuyên Mộc để mở cơ sở may gia công quần áo trẻ em tại nhà với 8 máy may công nghiệp.

Nhờ vay vốn để chăn nuôi nên nhiều hộ gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã thoát nghèo.

Nhờ vay vốn để chăn nuôi nên nhiều hộ gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã thoát nghèo.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có việc làm, cải thiện thu nhập, bà Oanh giao khoán sản phẩm. Mỗi ngày, sau khi đưa con đến trường, các chị mới đến cơ sở làm việc, buổi chiều lại về sớm để đón con và có thể nhận thêm hàng về nhà làm. Bên cạnh những thợ may lành nghề, bà Oanh còn nhiệt tình hướng dẫn người mới học việc. Hiện nay, cơ sở may của bà Oanh tạo việc làm ổn định cho 10 nhân công, 1 lao động thời vụ và 3 chị em khác nhận hàng về may tại nhà. Lượng hàng và thu nhập luôn ổn định, môi trường làm việc thoải mái nên chị em phụ nữ địa phương gắn bó với cơ sở.

Cũng từ Quỹ vay vốn tạo việc làm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung nhiều chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, một số hộ đã trở nên khá giả.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có khoảng 28 dân tộc anh em sinh sống, trong đó ngoài dân tộc Kinh, thì đông nhất là đồng bào dân tộc Chơ Ro với gần 10.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro đã có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống thay đổi tích cực.

Điển hình là hộ anh Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), vừa kết hợp chăn nuôi dê, gà, heo rừng với cày ruộng, cuốn rơm, anh còn mạnh dạn đầu tư 2 chiếc máy cày trị giá vài trăm triệu đồng để đáp ứng nhu cầu mùa vụ.

Nhờ có máy móc hỗ trợ việc sản xuất, kinh doanh, mỗi năm gia đình anh Tâm có thu nhập hơn 100 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương.

Hiện nay, gia đình anh Tâm đã trở thành hộ khá trong vùng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Tâm cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

“Phao cứu sinh” để vượt qua “cơn bão Covid-19”

Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, Ngân hàng đã vừa giải ngân 1,6 tỷ đồng cho hộ dân khó khăn tại huyện Châu Đức. Đây là  nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị trấn Ngãi Giao và xã Láng Lớn.

Theo đó, 20 hộ dân xã Láng Lớn được vay 600 triệu đồng từ các chương trình “Giải quyết việc làm”, “Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn” và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 25 hộ dân thị trấn Ngãi Giao được vay 1 tỷ đồng từ chương trình “Giải quyết việc làm”.Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi.

Nông dân vay vốn và triển khai trồng rau sạch, cây ăn trái đem lại thu nhập ổn định.

Nông dân vay vốn và triển khai trồng rau sạch, cây ăn trái đem lại thu nhập ổn định.

Empty

Cơ sở sản xuất túi xách Bảo Hân ở TP Bà Rịa cũng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để thu mua nguyên liệu và sửa chữa một số thiết bị hư hỏng. Cơ sở này đang giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương.

Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 3.160 tỷ đồng, tăng 414 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 98,5% kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương và tỉnh giao. 

Đặc biệt, từ ngày 23/9, thời điểm tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đến nay tổng doanh số cho vay tăng mạnh. Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh đã giải ngân gần 144 tỷ đồng cho 2.753 khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.  

Dự kiến tính đến cuối năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đạt trên 99,5% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng vốn Trung ương và UBND tỉnh giao.

Để đảm bảo nhu cầu nguồn vốn thực hiện cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay vốn giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác trong năm 2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất nhu cầu vốn bổ sung năm 2022 để thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn 488.000 triệu đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương: 270.000 triệu đồng, nguồn vốn cấp tỉnh: 200.000 triệu đồng, nguồn vốn cấp huyện: 18.000 triệu đồng) phục vụ nhu cầu vay vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm; chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; các chương trình khác.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh căn cứ vào kế hoạch này để tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách bổ sung cho vay năm 2022. Sở LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung kế hoạch này; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện cho vay.

XT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh