Nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về lĩnh vực việc làm: Góp phần tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- Bài thuốc hay
- 20:08 - 13/11/2021
Kết nối thị trường lao động – việc làm ổn định
Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác (như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) trong việc cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần địa phương phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc cho vay được bình xét công khai, dân chủ tại cơ sở, các dự án được thẩm định chặt chẽ và đúng quy trình. Nợ quá hạn, lãi tồn đọng được các địa phương quan tâm giải quyết.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã tổ chức triển khai điều tra, cập nhật thông tin của 367.563 hộ gia đình, bình quân hàng năm có 114.698 hộ có biến động thông tin, với tỷ lệ biến động khoảng 40% so với tổng số hộ. Qua kết quả điều tra, cập nhật thông tin thị trường lao động đã giúp cho các địa phương trong toàn tỉnh có được nguồn dự liệu về lĩnh vực lao động, việc làm, nhất là số liệu có việc làm thường xuyên và lao động qua đào tạo.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ "Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục nghề nghiệp - việc làm - an toàn lao động" để tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre (Trung tâm) cho biết, nguồn vốn từ chương trình, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm vào các ngày Thứ 6 hàng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng tại các huyện, tổ chức ngày hội việc làm. “Qua đó đã tạo điều kiện cho người lao động ở các địa phương, các em học sinh, sinh viên của các trường nghề, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tiếp cận và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn của mình”, bà Thủy chia sẻ.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn phát triển mạng thông tin về việc làm, nhằm hỗ trợ các hoạt động thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu tìm kiếm việc, việc tìm người. Qua đó đã giúp cho các đối tượng có nhu cầu tìm việc đễ dàng tiếp cận các thông tin việc làm, đáp ứng phần nào nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm đã nâng cao vai trò làm cầu nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm với doanh nghiệp - người lao động - cơ sở đào tạo và đã trở thành địa chỉ tin cậy thật sự mà người lao động và doanh nghiệp muốn tìm đến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong giai đoạn qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nguồn kinh phí phân bố hàng năm từ Chương trình mục tiêu cho tỉnh còn hạn chế, nhất là lĩnh vực việc làm nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai điều tra, cập nhật thông tin về thị trường lao động và tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay quỹ quốc gia về việc làm đến cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cơ sở, các cơ quan có liên quan, tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Liên đoàn lao động; Hội người mù, chính quyền địa phương tổ chức bình xét cho vay, thẩm định dự án đúng quy trình, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả về kinh tế, xã hội, tổ chức tập huấn về chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư… giúp người vay xây dựng dự án khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân nhằm đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Bà Trần Thị Hà, ở huyện Ba Tri là một trong những hộ gia đình mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để cho con trai đi làm việc có thời hạn ở tại Nhật Bản. Vợ chồng bà Hà đều làm nông nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn. Mạnh là con trai đầu trong gia đình. Sau khi học xong cấp ba, Mạnh đã đi làm công nhân nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.
"Gia đình quyết định cho cháu đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản với nghề điện tử. Ở huyện nhiều gia đình cho con đi hợp tác lao động tại Nhật, đi làm được một năm thì nhiều cháu gửi tiền về gia đình sửa nhà và phát triển kinh tế. Cháu Mạnh nhà tôi cũng phấn khởi và quyết tâm để tham gia được vào đơn hàng này, cháu đã vượt qua các vòng thi tay nghề, thi tiếng. Gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đủ kinh phí cho cháu đi hợp tác lao động. Mọi thủ tục để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi đều được hướng dẫn thực hiện rất nhanh gọn. Hiện nay, cháu đã làm bên Nhật được 2 năm, mỗi tháng cháu thu nhập cũng được từ 30 – 40 triệu", bà Hà cho biết.
Theo ông Đoàn Hải Nam, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tỉnh đã cho vay là 172.906 triệu đồng, tăng 98.810 triệu đồng (+23,4 %) so với đầu năm. Doanh số cho vay là 29.2491 triệu đồng, với 11.361 hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt 169.582 triệu đồng, tăng 95.567 triệu đồng so với năm 2016, dư nợ gồm 5.962 hộ vay; nợ quá hạn 344 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ chương trình.
Tổng số dự án của người lao động là 5.962 dự án (trong đó, có 35 dự án người khuyết tật). Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rông việc làm: 5.950 lao động (trong đó, lao đông nữ là 1.100 Người). Đối với hoạt động cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm là 16.540 triệu đồng, tăng 15.501 triệu đồng (+14,91 lần) so với năm 2016, nguồn vốn cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài này là nguồn vốn do ngân sách địa phương quản lý.
Số người vay ưu đãi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần theo từng năm, cụ thể năm 2020 là 449 người, trong đó lao động nữ 90 người, lao động thuộc hộ nghèo 90 người; hộ cận nghèo 112 người; người lao động khác 247 người tăng 380 người so với năm 2016 (Kết quả năm 2016 là 69 người, trong đó lao động nữ 14 người, lao động thuộc hộ nghèo 14 người; hộ cận nghèo 17 người; người lao động khác 38 người), tập trung chủ yếu thị trường Nhật Bản, ông Nam cho hay.
Qua kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho thấy công tác vay vốn, giải quyết việc làm ở địa phương được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế ở địa phương; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản về công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Các hộ vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất và các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích dự án vay ban đầu.