An Giang nỗ lực tạo việc làm cho lao động địa phương
- Bài thuốc hay
- 06:52 - 27/11/2021
Những năm qua, bằng nhiều mô hình khác nhau, An Giang đã nỗ lực tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ nỗ lực hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm đến đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 27.000 - 30.000 lao động từ thành thị đến nông thôn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho biết, nhiều hộ dân ở An Giang đã thoát nghèo nhờ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã hỗ trợ cho 10.127 lao động có việc làm.
Năm 2021, tỉnh An Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 27.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm thông qua chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và cận nghèo; các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… là 18.700 lao động.
Giải quyết việc làm thông qua các dự án vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho khoảng 4.000 lao động; thông qua việc tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh 4.000 lao động.
Trong năm qua, tỉnh phân bổ vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, ưu tiên cho các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tạo việc làm, những vùng có diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo thuận lợi cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động là thanh niên.
Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và tự tạo việc làm cho bản thân.
Bên cạnh đó, triển khai các mô hình tạo việc làm có hiệu quả từ nguồn vốn vay như: các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; lồng ghép các chương trình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế của tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân và người khuyết tật... Bảo đảm vòng quay nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều dự án, nhiều người lao động vay vốn làm ăn.
Tại An Giang có hàng trăm mô hình khởi nghiệp, mô hình kinh tế làm giàu cho bản thân và cho cộng đồng, các mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm với các sản phẩm đa dạng. Điển hình như anh Đỗ Văn Trung, ấp Long Thuận 2, xã Long Điền được vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư mô hình sản xuất mộc dân dụng chuyên cung cấp tủ, bàn, ghế, giường bằng gỗ. Đến nay anh Đỗ Văn Trung đã mở rộng cơ sở, thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/tháng và còn hỗ trợ được việc làm cho 5 thanh niên với thu nhập 5 - 7triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn mô hình trồng cây xạ đen chế biến làm trà của chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên); mô hình chế biến trái chúc làm tinh dầu của cô Châu Hải Yến, giáo viên Trường THPT ở huyện Tri Tôn; mô hình trồng nấm rơm bằng nguyên liệu bông vải trong nhà kín của Nguyễn Nhựt Trường ở huyện Châu Thành; mô hình làm thủ công mỹ nghệ của Nguyễn Khoa Nam ở Thoại Sơn, mô hình trồng và chế biến cây atiso đỏ của anh Đặng Hoài Linh huyện Thoại Sơn; mô hình trồng cam xoàn sạch của Lê Thị Mỹ Duyên huyện Chợ Mới…đều thành công và tạo thêm nhiều vị trí việc làm cho lao động tại địa phương.
Theo Sở LĐ-TB&XH An Giang, nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và vốn giải quyết việc làm đã đến với 100% các khóm, ấp, phum, sóc trong toàn tỉnh, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và ổn định.
Các cấp hội đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình sản xuất, liên kết phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, việc tham gia vào công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp cho tổ chức hội có thêm kinh phí hoạt động, tăng uy tín trong cộng đồng, thu hút hội viên làm cho hoạt động hội ngày càng lớn mạnh...
Theo đó, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH An Giang sẽ tiếp tục tham mưu HĐND, UBND và Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp sẽ tập trung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh. Đồng thời, xây dựng dự án hướng vào các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nhiều lao động, xác định mức vay đáp ứng nhu cầu vốn của dự án.