THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Qúy I/2019: Xảy ra hơn 300 vụ bạo lực học đường

Quí I/2019: Xảy ra hơn 300 vụ bạo lực học đường - Ảnh 1.

Nữ sinh tỉnh Bình Dương đánh nhau vì… màu giày thể thao. Ảnh cắt từ clip.

Gia tăng bạo lực học đường

Ngày 30/10/2019, trang Facebook "Địa điểm Lai Vung" (Đồng Tháp) đăng tải đoạn clip quay lại cảnh 4 nữ sinh đánh nhau. Đoạn clip dài khoảng 38 giây được nhóm học sinh ghi lại cảnh 2 nữ sinh mặc đồ thể dục lao vào nắm đầu, giật tóc và đánh tới tấp 4 nữ sinh khác. Các nữ sinh bị đánh ngồi co ro dưới đất chịu đòn. Trong đó, các em bị đánh lên tiếng giải thích nhưng vẫn ăn đòn. Trong clip còn có tiếng chửi thề. Qua xác minh, Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Long Hậu (Đồng Tháp) nhận định, 2 nữ sinh có hành vi đánh bạn là học sinh lớp 8 và 4 em bị đánh là học sinh lớp 6. Vụ việc diễn ra ngày  thứ 7 (ngày 28/10).

Trước đó, ngày 22/10, trên mạng xã hội lan truyền clip nữ sinh đánh nhau ngay trước cổng trường cấp II ở TP. Hồ Chí Minh. Cả hai nữ sinh đều mặc đồng phục,xung quanh rất nhiều HS đứng xem, chỉ trỏ, bàn tán và cười cợt, trong đó có cả nam sinh. Đoạn clip được xác định là học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP. Hồ Chí Minh).

Ngày 21/10, tại khu vực Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) cũng xảy ra vụ đánh "hội đồng" giữa nhóm 2 nữ sinh đánh 1 nữ sinh. Nguyên nhân ban đầu là do mâu thuẫn vì… màu sắc của đôi giày. Trong đoạn clip được quay lại và đưa lên mạng xã hội đều là học sinh của Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn. Cùng ngày, tối 21/10, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một số học sinh khối 12 của Trường Marie Curie và học sinh các trường trung học phổ thông khác ở TP. Hồ Chí Minh hẹn gặp nhau để "giải quyết" dẫn đến xung đột chém vào mặt, tay, khiến hai học sinh phải nhập viện điều trị.

Quí I/2019: Xảy ra hơn 300 vụ bạo lực học đường - Ảnh 2.

Nữ sinh đánh nhau. Ảnh cắt từ clip.

Tăng cường công tác tham vấn tâm lý học đường

Qua những vụ việc trên cho thấy, bạo lực học đường đang trở thành nỗi lo lắng, trăn trở không chỉ của nhà trường, gia đình và xã hội. Lý giải về điều này, các nhà tâm lý cho rằng, do các em nhiễm các mô hình bạo lực trong môi trường xã hội nhưng vì sợ thầy cô, nhà trường kỷ luật, các em thường tìm góc khuất như ngã ba đường, ngã tư để che giấu hành vi bạo lực của mình. Bạo lực học đường ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý và sức khỏe tinh thần của không ít học sinh bị bắt nạt những học sinh bắt nạt và chứng kiến bắt nạt. Học sinh bị bắt nạt có thể trở nên buồn bã, cô đơn, cảm thấy chán nản hoặc bế tắc vì không biết chia sẻ với ai và không tìm được cách giải quyết. Theo các chuyên gia tâm lý, để chữa lành "khủng hoảng tâm lý", điều quan trọng không thể thiếu là vai trò của tham vấn học đường. Những chuyên gia tâm lý với kiến thức, trải nghiệm và kỹ năng được rèn luyện là những người có khả năng hỗ trợ các em vượt qua "khủng hoảng" để phát triển.

Quí I/2019: Xảy ra hơn 300 vụ bạo lực học đường - Ảnh 3.

Mỗi trường học cần có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường.

Còn theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân bạo lực học đường hiện nay xuất phát từ nhiều phía, một phần do giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người, hoặc hời hợt qua các tiết dạy đạo đức, giáo dục công dân. Mặt khác, do ảnh hưởng từ môi trường bạo lực từ phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực…

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy tắc ứng xử trong các trường học cũng như biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tham vấn học đường cần được chú trọng. Mỗi trường học cần có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường, hỗ trợ người học, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, thay vào việc chỉ kỷ luật giáo viên, xử phạt học sinh khi sự việc đã xảy ra thì phải tìm một giải pháp tích cực hơn, như đưa giá trị sống vào dạy trong nhà trường phổ thông như một môn học chính khóa. Còn theo các nhà giáo, những giá trị tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm là những nền tảng quan trọng để thầy, cô giáo và học sinh hướng đến một môi trường lành mạnh hơn, không có bạo lực.

Các chuyên gia cũng cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong các mắt xích hình thành nhân cách một đứa trẻ, yếu tố gia đình được đặt lên đầu tiên. Bởi đây là môi trường đầu tiên và cũng là xuyên suốt tác động đến lối sống, hình thành nên nhân cách của một con người. Gia đình được xem là chốt chặn trong quá trình giáo dục. Vì vậy, "bạo lực học đường" còn có trách nhiệm của gia đình, không chỉ của riêng nhà trường. 

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh