Quy định xử phạt hành chính vi phạm chính sách BH thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 13:08 - 24/04/2019
Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động, người sử dụng lao động và cơ sở dạy nghề có các hành vi sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm thất nghiệp:
- Đối với người sử dụng lao động:
+ Chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp;
+ Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
+ Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật;
+ Có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp giả mạo;
+ Có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, thông tin về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
+ Không làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
+ Làm mất, hư hỏng hoặc sửa chữa, tẩy xóa sổ bảo hiểm xã hội;
+ Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng.
- Đối với người lao động:
+ Có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
+ Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Đối với cơ sở đào tạo nghề:
+ Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký đối với mỗi người lao động vi phạm;
+ Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề đối với mỗi trường hợp vi phạm.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP nêu trên.