CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:13

Tiếp tục hoàn thiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp- phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn

Đánh giá về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian vừa qua, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn bảo hiểm thất nghiệp đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện.

Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động,... trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.

Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”,  tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao.

Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng được nâng cao. Người lao động đã ý thức việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với bản thân họ, tại nhiều địa phương, người lao động sẵn sang bỏ thêm nhiều chi phí học nghề, ăn ở, đi lại,… bù vào phần chênh lệch so với chi phí được hỗ trợ để hoàn thành hết khóa học nghề.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi-Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội,  chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản lý thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động... với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để  người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Rõ ràng, đây là chính sách rất ưu việt và trong những năm vừa qua, chính sách bảo  hiểm thất nghiệp đã bao phủ được hầu hết người lao động không may mất việc làm.

 

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHTN


Mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua,  theo Cục việc làm, hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

 Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp:

 Tâm lý người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến các chế độ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Một số người lao động còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp còn khá lớn, tính đến năm 2017 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 242,827 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động

Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định.

Trong thời gian tới, Ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với người lao động

 Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh