THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:13

Quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group kiểm định thiết bị tại Công ty Cổ phần Ô tô Thành Công, tỉnh Ninh Bình

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group kiểm định thiết bị tại Công ty Cổ phần Ô tô Thành Công, tỉnh Ninh Bình

Việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung. Nội dung này được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, như sau:

1. Đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

Kiến thức và kỹ năng nghề của người lao động là yếu tố đóng góp lớn vào tăng năng suất, tăng hiệu quả lao động và làm việc. Như vậy, chú trọng vào việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động sẽ mang lại lợi ích to lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho người sử dụng lao động. 

Theo đó, đào tạo nghề nghiệp có thể được hiểu là quá trình giảng dạy, đào tạo người lao động những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là khái niệm liên quan đến việc phát triển năng lực con người (chất lượng nguồn nhân lực) trong hoạt động nghề nghiệp. Về bản chất, kỹ năng nghề nghiệp là năng lực chuyên biệt của cá nhân về một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp nào đó với sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ để có thể thực hiện hoạt động nghề nghiệp đó hiệu quả.

Ngoài ra theo nghĩa rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động là quá trình người lao động được đào tạo và tích lũy trong lao động về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quy định, được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của một nghề nào đó. Với nghĩa hẹp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động là quá trình đào tạo, đào tạo lại, trang bị hoặc bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng và thái độ để có năng lực cần thiết hoàn thành tốt hơn công việc đang làm.

  2. Quy định của pháp luật lao động về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao và phát triển trình độ kĩ năng nghề cho người lao động là một yêu cầu vừa có tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài trong sự phát triển ngày càng sâu rộng với tốc độ cao của khoa học công nghệ hiện nay, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đòi hỏi các bên trong quan hệ lao động cần phải cập nhật, phát triển để phù hợp với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội. Cụ thể, những nội dung mà pháp luật điều chỉnh về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động được quy định như sau:

2.1. Đối với người lao động

Theo Khoản 1 Điều 59 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, thì người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.

Theo quy định trên, người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, được tự do lựa chọn ngành nghề, việc làm của mình nên cũng được tự do lựa chọn đào tạo bản thân. Người lao động không bị giới hạn số lượng hay phạm vi ngành nghề có thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Chỉ cần người lao động có nhu cầu thì có thể tham gia bất cứ chương trình đào tạo nghề nghiệp nào mà mình mong muốn.

Bên cạnh đó, người lao động được tự do tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình nhằm đáp ứng các yêu cầu của một số ngành nghề, hoặc nâng cao trình độ để thực hiện các công việc cần trình độ kỹ thuật hoặc trình độ học vấn cao hơn. Việc này có ảnh hưởng tốt tới thị trường lao động và xã hội, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh ở trình độ cao, giúp người lao động có được các công việc ổn định và tiền lương ổn định nhằm trang trải cuộc sống. 

2.2. Đối với người sử dụng lao động 

Tại Điều 60 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề, cụ thể là người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình. Đồng thời, hàng năm người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

Căn cứ vào Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung này được thực hiện như sau:

Một là, hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Hai là, hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

* Nghề đào tạo.

* Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo.

* Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo.

* Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.

* Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

* Trách nhiệm của người lao động.

Ba là, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Bộ luật Lao động năm 2019 bắt buộc phải quy định chặt chẽ trong hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề như trên nhằm bảo đảm tính ràng buộc các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ mà mình đã cam kết khi ký hợp đồng đào tạo nghề. Trường hợp, bên nào vi phạm hợp đồng đào tạo nghề thì đó là cơ sở để xác định nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm cho bên bị vi phạm.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh

4. Vi phạm hợp đồng đào tạo nghề

Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Nếu trường hợp người lao động tự ý bỏ việc, khiến cho các doanh nghiệp không những bị khủng hoảng về nhân sự mà còn bị thiệt hại do mất kinh phí đào tạo. Trong trường hợp này người lao động sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.

Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận.

Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:

Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Bộ luật Lao động năm 2019 không đặt ra trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp năm 2014 lại quy định:

"Người tốt nghiệp các khoá đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”

Theo đó, người lao động vẫn có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động nếu không làm việc theo đúng thời gian đã cam kết.

Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

+ Không được trợ cấp thôi việc;

+ Phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước;

+ Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.

Do đó, trong trường hợp này, người lao động cũng phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Như vậy, Người lao động được cử đi đào tạo nghề chấm dứt hợp đồng lao động dù đúng luật hay trái luật sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Để tránh tranh chấp xảy ra sau này, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả chi phí đào tạo và trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.

Bên cạnh việc hoàn trả chi phí đào tạo, người lao động có thể còn phải bồi thường thêm khoản tiền do vi phạm hợp đồng nếu trước đó các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm.

Các bên khi ký hợp đồng đào tạp nghề thường thỏa thuận người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần chi phí đào tạo nghề. Việc yêu cầu bồi thường do vi phạm dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cho phép các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.

Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 không đặt ra mức tối đa đối với phạt vi phạm mà sẽ do các bên tự thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2029 cũng không có quy định nào về vấn đề này. Vì vậy, việc áp dụng mức nào sẽ do sự thỏa thuận của các bên.

Như vậy, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc phạt vi phạm hợp đồng đào tạo nghề gấp nhiều lần chi phí đào tạo cũng không trái pháp luật.

BẢO NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh