THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:50

Thanh Hóa gắn đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp

Được xem là cơ sở đào tạo nghề lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, kể từ khi thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã cung cấp hàng chục nghìn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Kiểm tra, thực hành trên thiết bị ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Kiểm tra, thực hành trên thiết bị ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Ông Trần Văn Điện, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Mỗi năm nhà trường tuyển hơn 1.000 học sinh, sinh viên theo học 3 cấp trình độ gồm sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, học viên theo học có cả học sinh tốt nghiệp THCS, THPT và những người có nhu cầu học nghề. Trong những năm gần đây nhận thức về việc học nghề, lựa chọn nghề nghiệp được nâng cao, nhu cầu học nghề của nhiều bạn trẻ đã không ngừng gia tăng.

“Trong 3 năm gần đây, mỗi năm nhà trường tuyển sinh gần 500 học sinh lớp 9 hệ vừa học văn hóa vừa học nghề. Sau 3 năm các em vừa hoàn thành học văn hóa lại có bằng Trung cấp nghề để đi làm hoặc có thể học liên thông cao hơn. Tỉ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường có việc làm ngay đạt trên 85%. Trong đó, có những nghề học đạt tỉ lệ 100% như cơ khí, điện lạnh, máy công nghiệp, sửa chữa ô tô, công nghệ thông tin... Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay bởi hiện nay rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong xã hội cần tuyển công nhân, kỹ thuật, thợ máy được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức những buổi tư vấn việc làm, trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp. Qua đó, tạo nên sợi dây kết nối sớm giữa các sinh viên và nhà tuyển dụng…”- ông Điện cho biết.

“Để thu hút học sinh theo học, Trung tâm tuyển sinh Nhà trường thường xuyên phối hợp với các địa phương tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong thời gian học tại trường, các em học sinh, sinh viên được nhà trường kết nối đến doanh nghiệp làm việc để trải nghiệm, thực tập giúp các em tiếp xúc môi trường làm việc hiện đại và được doanh nghiệp trả mức lương tương ứng, sau khi ra trường được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp mà không phải thử việc. Ngoài ra Nhà trường còn ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong và ngoài tỉnh, mỗi năm, các công ty, đơn vị này đến nhà trường tuyển dụng khoảng 2.000 vị trí việc làm. Do đó đầu ra việc làm của các em học sinh, sinh viên luôn ổn định…”- ông Điện thông tin thêm.

Xác định được năng lực bản thân ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Xuân Tùng ở phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa đã quyết định theo học tại Trường kỹ thuật công nghiệp Thanh Hóa (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa). Năm 2009, Tùng tốt nghiệp ra trường, anh đã phải bươn chải, làm việc tại rất nhiều doanh nghiệp, nhà xưởng. Sau khi tích cóp được kiến thức, kinh nghiệm về ngành điện, nhận thấy trên địa bàn có rất ít đơn vị làm thang máy, anh quyết định vay vốn, mở công ty chuyên cung ứng thang máy. Công việc kinh doanh tiến triển, đến nay Công ty Cổ phần thang máy Miền Trung do anh Tùng làm Giám đốc đã lớn mạnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Ngoài ra, hiện nay công ty đang tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

“Tôi xác định từ đầu sẽ làm lao động chân tay, học lấy cái nghề để mưu sinh, sau đó quyết định theo học ngành điện công nghiệp. May mắn thời điểm đó, được các thầy trong trường giới thiệu, thực hành với công việc, thiết bị tại nhà trường và doanh nghiệp… nên tay nghề không ngừng nâng cao. Điều quan trọng là xác định được năng lực bản thân, định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chuyên tâm và không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tế. Chỉ như thế mới có tay nghề giỏi, có nhiều cơ hội và cơ may để phát triển” – anh Tùng chia sẻ.

Còn với anh Hà Trọng Thu ở huyện Như Thanh, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Thu đã quyết định chọn Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, với mong muốn học được nghề sửa chữa ôtô để sau nay kiếm kế sinh nhai. Năm 2015, tốt nghiệp Cao đẳng nghề, anh Thu tiếp tục đi làm thuê tại nhiều gara ô tô trên địa bàn nhằm đúc rút kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Sau nhiều năm anh quyết định mở gara ô tô của riêng mình. Công việc sau đó tiến triển thuận lợi, lượng khách đông, anh mở rộng quy mô nhà xưởng. Đến nay, lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng.

“Bằng những thực tế đã trải qua, tôi thấy rằng các bạn học sinh nếu có học lực thực sự giỏi thì vào đại học là tốt nhất, còn nếu học lực chỉ ở mức trung bình thì tốt nhất nên theo học nghề. Vì học nghề sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc, được va chạm thực tế sớm hơn và có nhiều cơ hội việc làm hơn. Không nói đâu xa, các nghề hiện nay như điện lạnh, điện dân dụng, sửa chữa ôtô, hàn… sau khi ra trường thì không thiếu cơ hội việc làm, thậm chí còn được săn đón…” - anh Thu chia sẻ.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh