Quốc tế chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
- Tra cứu phẫu thuật
- 00:20 - 30/08/2019
Ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học - nỗi ám ảnh lâu dài
Theo Báo cáo của Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701), mặc dù chiến tranh đã trôi qua 44 năm, hậu quả còn lại trên đất nước Việt Nam còn rất nặng nề do lượng chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam rất lớn, vẫn đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân và môi trường; trong khi đó, công tác khắc phục còn nhiều khó khăn và phức tạp, nhất là khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Năm 2019, Ban chỉ đạo 701 sẽ tiếp tục khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và dự kiến xử lý được 35% khối lượng đất nhiễm dioxin, rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu có liên quan đến phơi nhiễm từ nay đến hết năm 2020.
Theo con số thống kê chính thức của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Việt Nam hiện vẫn còn hơn 3 triệu người nhiễm chất độc màu da cam. Số liệu của Bộ Quốc phòng cho thấy, trong giai đoạn 1961 - 1971, khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ được phun xuống 2,63 triệu ha miền Nam Việt Nam. Trong đó, chất độc da cam chiếm khoảng 60%.
Theo ước tính, hơn 2 triệu ha rừng và hơn 20.000 làng mạc bị tác động với số dân bị phơi nhiễm khoảng 2,1 - 4,8 triệu người. Tại Việt Nam, tính đến năm 2018, khoảng 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã được xem xét xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi, trong đó có 159.000 người đang được hưởng chế độ ưu đãi.
Trong khoảng thời gian từ năm 1964 - 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ I. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,7% tổng diện tích của cả nước. Trong đó, tỉnh Bình Định có 40% diện tích đất và tỉnh Quảng Bình có gần 28% diện tích đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Những vùng đất ô nhiễm bom mìn trở thành nỗi ám ảnh lâu dài. Với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện tại, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn.
Làm sạch nhiều vùng "đất chết"
Nằm trong số những địa phương bị ô nhiễm nặng nề bởi bom, mìn vật nổ (Bình Định có 40% diện tích đất và tỉnh Quảng Bình có gần 28%), thời gian qua, cùng với các dự án của Chính phủ Việt Nam, nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài đã tài trợ kinh phí và tham gia rà phá bom mìn, làm sạch nhiều vùng đất chết ở Quảng Bình và Bình Định.
Cụ thể từ sau 30/4/1975 đến hết năm 1977, Bình Định đã dò gỡ trên 200 bãi mìn và các khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng, giải phóng diện tích 815ha; thu gom và xử lý 84.754 bom mìn, vật nổ các loại. Từ năm 1978 đến 2016, tại tỉnh Bình Định, lực lượng công binh đã dò tìm, xử lý được trên 8.000 ha (tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực trọng điểm ô nhiễm bom mìn nặng,...); thu gom và xử lý 288.199 bom mìn, vật nổ các loại. Riêng dự án thuộc Chương trình 504 do Nhà nước hỗ trợ (năm 2013) đã giải phóng được 1.200 ha đất (Thành phố Quy Nhơn: 300ha, huyện Hoài Nhơn: 200ha, thị xã An Nhơn: 700ha), thu gom và tiêu hủy được 2.278 bom mìn, vật nổ các loại.
Tại Quảng Bình, giai đoạn 2003 - 2014, MAG đã rà làm sạch gần 1,9 triệu m2 đất, thu gom, xử lý gần 86 nghìn quả bom, mìn và vật liệu nổ; gần 1,5 triệu người dân được hưởng lợi từ hoạt động rà phá, xử lý bom mìn. Tổng kinh phí hỗ trợ cho giai đoạn này là hơn 13,6 triệu USD. Giai đoạn 2015 - 2017, Tổ chức MAG đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 3,9 triệu USD để rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ nhằm giảm thương vong cho người dân và phát triển cộng đồng. Ngày 27/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 2416/UBND-NC về việc bổ sung, mở rộng địa bàn hoạt động rà phá bom, mìn và vật liệu chưa nổ của Dự án MAG Quảng Bình. Theo đó, từ tháng 1/2018, địa bàn hoạt động rà phá bom, mìn, vật liệu chưa nổ của Dự án MAG Quảng Bình được bổ sung mở rộng gồm: Các xã Bắc Trạch, Hạ Trạch, Mỹ Trạch, Hưng Trạch, Nam Trạch của huyện Bố Trạch; xã Gia Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh của huyện Quảng Ninh. Tổ chức MAG đã có mặt tại Quảng Bình từ năm 2002 và đến nay là dự án thứ sáu MAG triển khai ở địa phương này.
Nhằm giúp người dân Việt Nam loại trừ triệt để ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Dự án "Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" đã được triển khai vào năm 2018 với nguồn kinh phí tài trợ 20 triệu USD.
Dự án sẽ triển khai khảo sát kỹ thuật và làm sạch bom mìn, vật nổ trên diện tích khoảng 8.000 ha tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định, đồng thời nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân trong vùng. Dự án sẽ thực hiện 5 nội dung, trong đó chú trọng công tác khảo sát kỹ thuật và làm sạch bom mìn, vật nổ; triển khai nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân trong vùng dự án; hỗ trợ các nạn nhân bom mìn để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…