CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:24

Cần chục tỉ USD để rà phá bom mìn sau chiến tranh

 

 Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó tổng giám đốc Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) phát biểu tại buổi họp báo.


Hơn 100 nghìn người thương vong do tai nạn bom mìn

Bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân. Tại Việt Nam, theo thống kê hiện nay diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.

Từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đìnhtrẻ em.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

 

Lực lượng chứng năng rà phá bom mìn.

 

“Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc đã nhận định, khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long…Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn” - Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504), với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống, an sinh xã hội.

Hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bom mìn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong nững năm qua, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã dò tìm, tiêu hủy hàng chục vạn tấn bom đạn các loại, giải phóng, làm sạch hàng trăm nghìn hecta đất, hỗ trợ, tạo sinh kế cho hàng vạn nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng.

Tại buổi họp báo, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho biết, trong những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn, bao gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.

 

Hỗ trợ phục hồi chức năng cho nạn nhân bom, mìn.


Đến nay, cả nước có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Tính đến nay, đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn). Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó, có 73 Cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật.

Đến nay, cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 03 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (bao gồm cả nạn nhân bom mìn), trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường. Đến nay, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng, làm công tác quản lý trường hợp, trợ giúp nạn nhân khuyết tật và nạn nhân bom mìn.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh