Báo quốc tế ấn tượng với đội phá bom mìn toàn nữ ở Quảng Trị
- Dược liệu
- 23:06 - 09/06/2019
Trong bộ đồng phục vải khaki cùng giày bốt chuyên dụng, Nguyễn Thị Thủy cột cao tóc đuôi gà dưới nón tai bèo. Cô cẩn thận bước trên bãi đất trống cằn cỗi với những dụng cụ gồm máy dò kim loại, chiếc xô và xẻng đơn giản.
Cô gái 29 tuổi cẩn thận đưa máy dò rà soát mặt đất, tiến từng centimet. Im lặng đồng nghĩa với an toàn. Một khi máy phát âm thanh cảnh báo kim loại, đội của Thủy lập tức bắt tay vào việc.
Thủy là trưởng nhóm nữ rà phá bom mìn đầu tiên, được thành lập vào năm 2008, thuộc dự án RENEW của tỉnh Quảng Trị.
Nhóm của Lê Thị Hoa và Nguyễn Thị Thủy trong một buổi đi dọn mìn. Ảnh: SCMP.
Phụ nữ tham gia rà bom mìn ngày một nhiều
RENEW là chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Dự án có sứ mệnh phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh với trọng tâm giải quyết bom mìn chưa nổ. Theo mô tả trên cổng thông tin của RENEW, đối tác chính của tổ chức hiện là chương trình Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), một trong những tổ chức quốc tế nổi tiếng thế giới hiện nay trong lĩnh vực giải trừ quân bị nhân đạo.
Tổ chức được thành lập vào năm 2001 và đã nhận được tài trợ từ hơn 17 tổ chức quốc tế. Ngoài NPA, dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị còn được hỗ trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan Viện trợ Ireland và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc(UNICEF).
Theo South China Morning Post, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia giải quyết bom mìn chưa nổ tại địa phương. Từng được xem là công việc quá nguy hiểm đối với nữ giới, giờ dự án RENEW có hơn 60 nhân sự nữ tham gia hoạt động này. Riêng trong ba tháng đầu năm 2019, nhóm đã nhận thêm 12 nhân sự nữ.
Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG), tổ chức có trụ sở chính tại Anh và bắt đầu hỗ trợ Việt Nam từ năm 1999 với sứ mệnh tương tự, cũng ghi nhận số nhân sự nữ tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Tổng số thành viên nữ của dự án tại địa phương đã lên đến 167 người.
Thủy tham gia RENEW vào năm 2013 sau khi biết được những mối hiểm họa nghiêm trọng của bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Cô sinh ra và lớn lên tại huyện Gio Linh, một trong những địa phương còn nhiều bom mìn chưa nổ đến mức trồng trọt cũng là công việc vô cùng nguy hiểm.
"Tôi từng nhìn thấy rất nhiều bom mìn chưa nổ khi còn nhỏ. Một người hàng xóm của gia đình đã bị thương nặng trong một vụ nổ vì các thiết bị này. Tôi muốn giúp cho tỉnh nhà trở nên an toàn hơn", Thủy chia sẻ.
Cô gái 29 tuổi được chồng hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, cha mẹ cô từng lo lắng và phản đối khi nghe tin con nhận một công việc phải thường trực đối mặt với tử thần.
Năm 2015, Thủy được thăng chức làm trưởng đội rà phá bom mìn đầu tiên của tỉnh Quảng Trị với 100% thành viên là nữ giới. Cũng trong năm đó, cô nhận được tin vui rằng mình mang thai. Thủy bất chấp nguy hiểm và tiếp tục làm việc, cô chỉ nghỉ hơn một tháng trước khi sinh. Con trai của vợ chồng Thủy nay đã hơn 3 tuổi.
Bộ dụng cụ rà mìn của Đức có giá gần 4.000 USD. Ảnh: SCMP.
Mong muốn một Quảng Trị không còn tiếng bom
Là một trong hai nữ trưởng nhóm trong đội ngũ RENEW, Thủy trở thành động lực truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ địa phương chung tay góp sức cho dự án. Nữ công nhân đồn điền cao su Lê Thị Hoa là một trong số đó.
Hoa cũng hiểu rõ nỗi đau khổ mà bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra khi từ nhỏ chứng kiến nhiều gia đình hàng xóm mất đi người thân vì những di sản của chiến tranh. Cô không khỏi trăn trở vì sao quê hương đã đi qua cuộc chiến từ rất lâu nhưng người dân quê cô vẫn đổ máu vì nó.
Những kiến thức và chương trình huấn luyện về an toàn khi tác nghiệp của dự án RENEW giúp gia đình Hoa yên tâm phần nào về công việc của cô. Trong hai tháng đầu làm việc, Hoa đã giải quyết được ít nhất 7 thiết bị nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Ngoài chương trình rà soát, dự án RENEW và MAG còn chủ động tuyên truyền giáo dục người dân về mối hiểm họa của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, quy trình giải quyết và những khuyến nghị khi phát hiện mìn. Những nỗ lực tuyên truyền này đặc biệt tập trung đến trẻ nhỏ.
Nhóm giải quyết bom mìn với toàn bộ thành viên là nữ giới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: SCMP.
Theo Trung tâm Hành động Bom mìn Quảng Trị, cơ quan phụ trách về các dự án phi chính phủ liên quan đến bom mìn tại địa phương, đã có hàng nghìn trẻ em thương vong vì những thiết bị nổ còn sót lại sau chiến tranh. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, đã có ít nhất 990 trường hợp trẻ từ 1-15 tuổi tử vong trong các vụ nổ. Số trẻ bị thương vì bom mìn là hơn 1.600 em.
Chương trình tuyên truyền về rủi ro bom mìn của RENEW chủ yếu nhắm đến trẻ em. Trong khi đó, đối tượng hướng đến của tổ chức phi chính phủ MAG là người trưởng thành. Hai dự án giúp kiến thức bảo vệ bản thân khi phát hiện bom mìn đến với hơn 400.000 người lớn và trẻ em tại Quảng Trị, gần 2/3 dân số của tỉnh.
44 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, việc giải quyết hoàn toàn số bom mìn còn sót lại tại Quảng Trị vẫn được xem là gần như bất khả thi. Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Hiền, quản lý truyền thông và phát triển của RENEW, vẫn tự tin có thể giúp cho người dân Quảng Trị có được tương lai an toàn hơn.
"Chúng tôi quyết tâm đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ giúp Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam được tuyên bố không còn chịu tác động của bom mìn chiến tranh", ông khẳng định.