THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

Quốc hội quyết giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa

 

Quốc hội yêu cầu, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của nghị quyết Quốc hội đề ra trước đó, tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề, từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Sở dĩ Quốc hội đưa môn Lịch sử vào nghị quyết vì ngày 27/11, khi chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Lê Văn Lai đã gọi việc tích hợp môn Lịch sử trong dự thảo chương trình mới là "sự xáo trộn tâm can". Ông đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không.

 

Quốc hội đã yêu cầu giữ lại môn học Lịch sử trong sách giáo khoa mới. Ảnh: Giang Huy.

 

 Đối với công tác y tế, Quốc hội đề nghị triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cần xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cho y tế, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.

Về nợ công, Quốc hội yêu cầu, cuối năm 2016, hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ 14 việc sửa đổi, bổ sung Luật quản lý nợ công; xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn Quốc hội cho phép, từng bước giảm dần nợ công.

Với hoạt động tư pháp, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

“Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng; thực hiện đầy đủ việc đánh giá tình hình tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Có giải pháp quyết liệt, hữu hiệu nâng cao trách nhiệm xử lý tin báo tố giác tội phạm, chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các địa phương...”, nghị quyết nêu.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay. Đây cũng là dịp để đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.

Theo người đứng đầu cơ quan lập pháp, phiên chất vấn diễn ra trong không khí đối thoại dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng; nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm đã được đưa ra phân tích, xem xét dưới nhiều góc độ.

“Quốc hội đã ra nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội khóa 14 tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Môn Lịch sử, Tiếng Việt - Văn học, Toán vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". Việc thay đổi này khiến các nhà sử học lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông, hoặc hiểu méo mó, sai lệch.

Theo VÕ HẢI / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh