THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Bộ Giáo dục thừa nhận gây hiểu nhầm về đổi mới môn Lịch sử

 

Ngày 5/8/2015, Bộ GD&ĐT đã cho phép đăng tải trên mạng dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, để xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. 

Sau khi được đăng tải xin ý kiến xã hội, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề, trong đó tập trung nhiều nhất vẫn là tích hợp môn Lịch sử ở cấp THPT. 

 

Học sinh trong giờ học môn Lịch sử (ảnh: Lao động).

 

5 vấn đề chưa đồng tình với Dự thảo

Thứ nhất, cần đổi mới môn học Lịch sử, giáo dục lịch sử theo tinh thần Nghị Quyết 29 là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh; muốn vậy phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay, trái lại giáo dục lịch sử phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học.

Thứ hai, Ban xây dựng chương trình không coi trọng giáo dục lịch sử, để Lịch sử là môn học tự chọn thì sẽ rất ít học sinh chọn học Lịch sử như thế chẳng khác gì xoá sổ Lịch sử trong giáo dục cấp THPT.

Thứ ba, theo tinh thần coi trọng giáo dục lịch sử, nếu tích hợp trong môn Khoa học xã hội hoặc môn Công dân với Tổ quốc thì không thể hiện được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử; khó tích hợp các mạch kiến thức giáo dục công dân, giáo dục lịch sử và giáo dục an ninh quốc phòng; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT; đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này.

Thứ tư, nếu để kiến thức lịch sử ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn.

Thứ năm, đề nghị duy trì Lịch sử là môn học riêng, bắt buộc với tất cả các học sinh. 

Thừa nhận gây hiểu nhầm

Trước những ý kiến chưa đồng tình này, Ban Xây dựng chương trình cho biết nhất trí về vấn đề thứ nhất. Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội thảo, cuộc thi về lịch sử, tổ chức tập huấn giáo viên, đưa các nội dung về biển đảo vào đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn…

Về vấn đề thứ hai: Học sinh không chọn học Lịch sử nếu là môn tự chọn, Ban Xây dựng chương trình cho rằng, không phải học sinh thích thì chọn, không thích thì thôi, xóa sổ môn Lịch sử. Trái lại, theo Dự thảo chương trình, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội.

Ngoài ra, học sinh còn học Lịch sử trong các môn học khác và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thời lượng học Lịch sử cũng nhiều hơn.

Ban Xây dựng chương trình nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ ràng trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu các ý kiến góp ý, văn bản chương trình sẽ được điều chỉnh, bổ sung rõ vấn đề này.

Không để môn Lịch sử đứng độc lập

Về vấn đề thứ ba, liên quan đến tích hợp và phân hóa, Ban Xây dựng chương trình khẳng định đây là vấn đề có nhiều yêu cầu mới của Chương trình giáo dục phổ thông nên không thể tránh khỏi băn khoăn, thắc mắc.

Ban Xây dựng chương trình cho rằng cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học xã hội (hoặc môn) Lịch sử trong Dự thảo chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục một số nước. Về tên gọi của môn học, việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học/ lĩnh vực khác trong chương trình.

Việc sắp xếp môn học như vậy không trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT vì đã đảm bảo cho học sinh phân hóa.

Việc thiết kế môn học tích hợp mới theo các mạch kiến thức dựa trên các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh (như một số nước phát triển đã làm) là một giải pháp đã cân nhắc đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay. Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.

Về vấn đề thứ tư, học sinh sẽ học kiến thức lịch sử trong ít nhất 2 môn học. Kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải xé lẻ.

Đối với vấn đề đang được tranh luận gay gắt nhất là để môn Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc, Ban Xây dựng chương trình cho rằng, nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Đặt tên môn học là phải giúp người học nắm bắt kiến thức

Giải thích về tên gọi của môn học, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, để đảm bảo tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không phải là cần gọi tên môn học đó một cách “đích danh”, “trực tiếp” mà người học nắm được kiến thức của môn học/lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào và kiến thức đó có thể giúp người học giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Việc lựa chọn tên môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học.

Ở cấp THPT, có 4 môn học bắt buộc đối với tất cả học s inh thì 3 môn được đặt tên “trực tiếp” theo truyền thống là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ là do tính chất công cụ cho hoạt động của con người và 1 môn Công dân với Tổ quốc (là môn học có tên mới) do vai trò đặc biệt, có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức-công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học/lĩnh vực giáo dục khác trong chương trình.

Theo BÍCH LAN / vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh