Quảng Ninh: Mục tiêu giảm nghèo đạt được nhưng phải bền vững
- Dược liệu
- 22:34 - 28/11/2018
Ông có thể cho biết những kết quả mà Quảng Ninh đã đạt được trong lĩnh vực giảm nghèo?
Căn cứ trên các số liệu cập nhật đến hết tháng 10/2018 và tình hình thực tế triển khai nhiệm vụ công tác của ngành, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh ước tính tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,97% , từ 2,25% năm 2017 xuống còn 1,28% năm 2018.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn đươc các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ kịp thời đầy đủ góp phần giúp hộ nghèo ổn định vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Hoài Sơn- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh
Công tác vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo và hỗ trợ đầu tư hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh và sự chung tay, góp sức của xã hội đã từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó tập trung ưu tiên đối tượng hộ nghèo, người nghèo thuộc vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng nghèo ổn định và đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo.
Việc triển khai Đề án 196 về đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 đến nay đã đi vào nề nếp, cơ bản đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ, tiến độ đề ra; một số xã, thôn đã phấn đấu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, về đích sớm hơn so với lộ trình; người dân tại các xã, thôn ĐBKK đồng thuận, từng bước tích cực hưởng ứng thông qua việc góp công, hiến đất và vật kiến trúc, hoa màu, tham gia thực hiện Đề án, góp phần tạo điều kiện đưa các xã, thôn hoàn thành Chương trình 135 trước hoặc đúng tiến độ đã được phê duyệt. Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (trong đó chủ yếu là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất) đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng ĐBKK; nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả, được nhân rộng đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm động lực, kiến thức, kinh nghiệm từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, là cơ sở để thoát nghèo bền vững..
Vậy theo ông, để có được kết quả ấn tượng đó thì đâu là giải pháp quan trọng?
Giải pháp tuyên truyền vẫn quan trọng nhất. Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của thì tỉnh thì cấp ủy chính quyền địa phương và người dân phải vào cuộc. Khi tuyên truyền tốt thì nhận thức của người dân cũng đã thay đổi. Các hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện (tiêu biểu là tại huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu).
Thứ hai là vấn đề nguồn lực được tỉnh rất quan tâm Năm 2018 nguồn tỉnh bố trí cho chương trình nông thôn mới và mục tiêu quốc gia giảm nghèo là khoảng gần 600 tỷ từ nguồn vốn ngân sách, chưa kể các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Lao động tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Quảng Ninh ( xã Hồng Thái Tây và Hoàng Quế, TX Đông Triều)
Rồi việc lồng ghép giữa các chương trình, đây là cũng vấn đề rất quan trọng. Hiện có rất nhiều chương trình như chương trình giảm nghèo gắn với việc triển khai đề án 135, nông thôn mới. Bản chất thì đều tập trung cho công tác giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Rồi các mô hình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Năm nay, việc hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cũng thực hiện rất tốt. Chính nhờ nguồn vốn vay mà người dân mới đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên được. Các chương trình dự án thì một số mô hình có hỗ trợ.
Hay một số huyện miền Đông năm nay có cách làm rất sáng tạo như ở Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà đều phân công các đồng chí trong thường vụ, lãnh đạo phụ trách địa bàn, theo dõi giúp đỡ một số hộ ộ nghèo Và rõ ràng mang lại hiệu quả.
Có thể nói, công tác giảm nghèo thời gian qua được tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tỉnh ủy, hội đồng ban hành Nghị quyết năm và 6 tháng, UBND tỉnh cũng kiểm điểm, rà soát hàng tháng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Nếu không hoàn thành tính vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm, giao chỉ tiêu giảm nghèo cũng như giao thu ngân sách.
Với những kết quả đã đạt được trong năm nay, liệu công tác giảm nghèo của tỉnh trong năm tới sẽ tiếp tục có bước đột phá?
Kết quả năm 2018 như thế là rất tốt nhưng cũng phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, để tiếp tục nâng cao thu nhập của người dân nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp là tương đối khó khăn. Nhất là những hộ nghèo thì hiện vẫn sản xuất nông- lâm nghiệp là chính nên thu nhập không ổn định, vẫn có yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, còn một bộ phận người dân dù không nhiều cũng chưa nhận thức được vấn đề, vẫn muốn được là hộ nghèo để hưởng chính sách.
Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu lao động. Như một số khu công nghiệp ở các địa bàn miền Đông là chúng tôi khuyến khích người lao động tham gia vào các doanh nghiệp, chứ nếu cứ tập trung cả vào nông nghiệp thì rất khó. Một gia đình chỉ cần có một người đi làm trong doanh nghiệp thì thu nhập sẽ ổn định hơn, đời sống sẽ cao hơn, lương của công nhân hiện nay cũng rất khá, đạt 7-9 triệu/ tháng.
Cái chính là mục tiêu giảm nghèo đạt được nhưng phải bền vững, tức là không bị tái nghèo và đời sống nhân dân giàu có lên. Đấy là điều mà Quảng Ninh vẫn phải tiếp tục cố gắng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!