Quảng Ninh: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:09 - 05/11/2018
Thực hành nghề cơ điện ở Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Những năm qua, công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực có chất lượng cao được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những khâu quan trọng với sự đầu tư nâng cao cả về chất lượng đào tạo và con người. Tính từ năm 2011 đến nay, 26 cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã được thành lập mới, thành lập lại và bổ sung chức năng nhiệm vụ đào tạo nghề như: Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Trường Cao đẳng Giao thông, Trường Cao đẳng Nghề xây dựng... Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đã có 39 đơn vị tham gia hoạt động đào tạo nghề là cơ sở GDNN và cơ sở tham gia GDNN; trong đó: 23 đơn vị cơ sở GDNN với 8 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 13 trung tâm GDNN; 16 cơ sở tham gia hoạt động GDNN với 2 trường đại học, 8 đơn vị sự nghiệp và 6 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN.
Đội ngũ giáo viên đào tạo có chất lượng và các trang thiết bị máy móc cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, giúp các học viên nắm bắt được kỹ thuật, phát triển các lợi thế sẵn có. Tính đến hết năm 2017, số nhà giáo cơ hữu và tham gia đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 1.926 người. Trong đó, giáo viên đạt chuẩn thuộc các trường cao đẳng, trung cấp là 60%; giáo viên đạt chuẩn thuộc các Trung tâm GDNN - GDTX là 59,3%.
Đối với các trường thuộc tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2018, đang tiếp tục đầu tư nâng cao nhân lực cho Trường Cao đẳng Giao thông và Cao đẳng Việt - Hàn.
Trong đó, năm 2016, số vốn đầu tư nâng cao năng lực cho 2 trường có tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng, năm 2017 là 31 tỷ đồng và năm 2018 dự kiến 7 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2011 - 2017, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 2 Trung tâm dạy nghề Đông Triều và Vân Đồn, đầu tư trang thiết bị đào tạo cho 11 Trung tâm GDNN - GDTX để tham gia đào tạo nghề cho các lao động nông thôn với kinh phí thực hiện 68,9 tỷ đồng.
Dạy nghề phải gắn với việc làm
Tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh được trên 11.000 người, đạt 32,5% kế hoạch. Trong đó, tuyển mới cao đẳng nghề 12 người, đạt 2,25% kế hoạch; tuyển mới trung cấp nghề trên 1.700 người, đạt 20,76% kế hoạch; tuyển mới sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên trên 9.400 người, đạt 36,91% kế hoạch… Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình, tạo nguồn thu nhập chính đáng từ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng thiếu tập trung trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức thành công các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn lao động tham gia phỏng vấn, tìm việc. Trên 200 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng lao động và trên 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động thất nghiệp tại địa phương.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động. Qua đó, hàng năm các cơ sở đào tạo khoảng 32.000 lao động cung cấp cho thị trường lao động trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh) cho biết: “Công tác đào tạo nghề nghiệp cung ứng cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi căn bản, toàn diện.
Chất lượng đào tạo dần được nâng lên, đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng cao của thị trường lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp còn một số bất cập về chương trình đào tạo và sự liên kết vùng, miền. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm, Sở tiếp tục hoàn thiện các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo... và sẽ lựa chọn một số nghề có thế mạnh để đầu tư, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp để định hướng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo, thực hiện tốt các mục tiêu của tỉnh về xây dựng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.