Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ đối tượng yếu thế
- Dược liệu
- 02:23 - 22/11/2018
Hơn 300 đối tượng yếu thế được hỗ trợ trong năm 2018
Bà Hoàng Minh Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh cho biết, Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh là Trung tâm đầu tiên trên cả nước đươc Bộ LĐ-TB&XH thí điểm về triển khai xây dựng Trung tâm công tác xã hội. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội, Trung tâm được triển khai đầu tiên với nguồn lực hỗ trợ các hoạt động như xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chương trình đề án 32 của Bộ và từ một phần từ nguồn ngân sách của tỉnh. Việc đầu tư cho triển khai các mô hình hoạt động của Quảng Ninh cũng gặp nhiều thuận lợi, được lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở ngành, chính quyền địa phương rất đồng thuận.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2018, Giám đốc Hoàng Minh Hoa cho biết, nhiều hoạt động thường xuyên được triển khai đều đạt kết quả tốt như: Mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí, Mô hình hỗ trợ dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Mô hình Câu lạc bộ Tình nguyện viên Công tác xã hội, Gia đình trẻ tự kỷ, Mô hình Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh...
Cụ thể, trong năm 2018, Trung tâm đã tư vấn trực cho 31 trường hợp về vấn đề rối nhiễu tâm trí ở trẻ em và trầm cảm ở người lớn; Duy trì hoạt động trực tổng đài tư vấn 18001769 của Trung tâm Công tác xã hội với tổng số 1.319 cuộc (tăng 335 cuộc só 2017; Duy trì công tác trực tư vấn tại mô hình Cà phê tư vấn và đã tiếp nhận 28 ca tư vấn về tâm lý, tình cảm; hôn nhân gia đình, hướng nghiệp và sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động đang theo học và công tác trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Tổ chức 5 buổi tọa đàm với chuyên đề: “Khủng hoảng tiền hôn nhân”, “Phẩm chất đạo đức hiện nay”, “Phụ nữ hiện đại và vai trò của phụ nữ trong thời đại mới”, “Giữ lửa cho cuộc sống hiện đại”, “Kỹ năng chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình” nhằm chia sẻ kỹ năng sống, nâng cao năng lực cho các đối tượng đã tham gia mô hình.
Về quản lý trường hợp đối với các đối tượng yếu thế, Trung tâm đã phối hợp với phòng LĐ-TB&XH thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; UBND cấp xã thực hiện hoạt động quản lý trường hợp với 300 đối tượng yếu thế; thông qua các bước thu thập xác định vấn đề, lên kế hoạch, thực hiện các hoạt động tư vấn, kết nối để trợ giúp cho đối tượng giải quyết các vấn đề khó khăn. Lập hồ sơ quan lý trường hợp khẩn cấp 16 trường hợp.
Duy trì hoạt động trị liệu tâm lý đối với trẻ em rối nhiễu tâm trí. Trong 10 tháng năm 2018 đã thực hiện khám sàng lọc mới cho 19 trẻ, thực hiện can thiệp trị liệu cho 18 trẻ (đã kết thúc 9 trẻ); hiện tại Trung tâm duy trì trị liệu thường xuyên cho tổng số 9 trẻ. Thực hiện hoạt động sàng lọc và can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên cho 30 trẻ em có các biểu hiện tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại gia đình trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; Tổ chức 3 lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và can thiệp, trị liệu tâm lý cho gia đình và người chăm sóc trẻ.
Thực hiện hoạt động sàng lọc 50 trường hợp và can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên cho 20 đối tượng trầm cảm tại gia đình; tiếp nhận tổng số 15 trường hợp cần can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động tài trợ 2 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực gia đình được đi học nghề miễn phí.
Nhân viên Trung tâm trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng
“Cái khó ló cái khôn”
Theo Giám đốc Hoàng Minh Hoa, làm công tác xã hội có rất nhiều hoạt động mà nếu có nguồn kinh phí để triển khai thì sẽ hiệu quả. Quảng Ninh đã được quan tâm hỗ trợ nguồn lực để hỗ trợ các triển khai các chương trình từ các đề án như Đề án 32, đề án 1019 hỗ trợ cho người khuyết tật, đề án 647 hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đề án 1215 hỗ trợ cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chương trình bình đẩng giới, phòng chống tệ nạn xã hội... “Nói chung Quảng Ninh tương đối thuận lợi về nguồn lực” - Bà Hoa cho nói và cho biết thêm, về con người thì Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh cũng có nền tảng tương đối thuận lợi, đội ngũ nhân viên công tác xã hội tại trung tâm đều là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hiện nay gần 80% nhân viên đang làm tại trung tâm có trình độ đào tạo về thạc sĩ công tác xã hội. Trung tâm được giao biên chế là 18 thì 14/18 người có trình độ thạc sĩ, một người đang làm nghiên cứu sinh.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, theo Giám đốc Hoàng Minh Hoa, Trung tâm vẫn gặp một số khó khăn như sự thay đổi về tổ chức cán bộ hay việc tinh giản biên chế theo Đề án của tỉnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Thêm vào đó, hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định để phối hợp giữa hoạt động về công tác xã hội với các ngành chức năng liên quan như công an, y tế, các đoàn thể quần chúng, nhất là hoạt động can thiệp hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. Khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề công tác xã hội và thực hành nghề nghề công tác xã hội vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ...
“Nhưng tự cái khó sẽ ló cái khôn, mình cũng sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, để đạt được mục tiêu hiệu quả” - bà Hoa nhấn mạnh và cho biết, hiện trung tâm có rất nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mô hình khảo sát hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học nghề, mô hình phòng chống tự kỷ, rối nhiễu tâm trí cho học sinh 40 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; mô hình phòng chống mại dâm hỗ trợ người nghi mại dâm tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, tài trợ bao cao su phát kèm chuyên đề, khảo sát nhằm hỗ trợ chuyển sinh kế cho những người nghi mại dâm…
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ và Chương trình công tác năm đề ra như: Thực hiện tốt công tác tư vấn, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế ở cộng đồng; Triển khai có hiệu quả Đề án thí điểm mô hình sàng lọc, can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; Duy trì hoạt động các mô hình, Câu lạc bộ; bổ sung thành viên tham gia hoạt động mô hình, CLB; Đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng nâng cao nhận thức xã hội” - Bà Hoa cho biết.