THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:44

Quảng Ninh: Chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

 

Thực hành nghề dịch vụ nhà hàng tại cơ sở đào tạo tỉnh Quảng Ninh

 

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

 Hằng năm, tỉnh đều dành một khoản ngân sách nhất định cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm, đồng thời tổ chức khảo sát để nắm chắc thực trạng lao động, việc làm tại các địa phương và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị tuyển dụng lao động. Trên cơ sở đó, tỉnh có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hoá các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động..

Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại, phân bố rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, dần đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp và nhân lực có tay nghề cao.

Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề đã tích cực, chủ động, áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền trong tuyển sinh như: Đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể để tổ chức tuyển sinh; cử cán bộ của đơn vị dạy nghề và đại diện doanh nghiệp trực tiếp tuyên truyền tại các địa phương; trực tiếp gặp và tuyên truyền tại các thôn, bản vùng cao; phối hợp với các doanh nghiệp để nhận đào tạo nâng bậc, đào tạo lại, tham gia sản xuất các ngành nghề mà cơ sở dạy nghề có thể thực hiện được... Nhờ đó, kết quả tuyển sinh cơ bản thực hiện được kế hoạch đã đặt ra, khối các trường dạy nghề giữ được đà phát triển ổn định.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 39 đơn vị tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp, trong đó có 32 cơ sở công lập và 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp. Trong năm 2018, các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã đào tạo khoảng 35.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 1.500 người, trình độ trung cấp là 5.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là hơn 28.500 người. Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm, nguồn thu nhập chính đáng.

Tỷ lệ người tốt nghiệp được giải quyết việc làm là một chỉ tiêu quan trọng, thể hiện thương hiệu của các cơ sở dạy nghề và chính là tiêu chí quan trọng thu hút học sinh học nghề. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở uy tín trong việc đào tạo và cung ứng lao động, như: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Trường Cao đẳng Xây dựng và Công nghiệp; Công ty TNHH Dịch vụ kế toán và Kiểm toán Hạ Long...

Trong những năm qua, nhằm khắc phục tình trạng thiếu tập trung trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức thành công các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm, thu hút được hàng nghìn lao động tham gia phỏng vấn, tìm việc. Đến nay đã có trên 200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động và hơn 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động thất nghiệp tại địa phương.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề thời gian qua đã góp phần quan trọng trong đào tạo nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

Ưu tiên đào tại nâng cao chất lượng nhân lực du lịch

 Hiện ngành Du lịch Quảng Ninh có khoảng 30.000 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trực tiếp có trình độ đại học, cao đẳng nghề chiếm 40%; trung cấp nghề chiếm 23%; sơ cấp nghề chiếm 22%; lao động phổ thông là 13%. Riêng khối khách sạn là 13.000 lao động; lữ hành 1.200 lao động; các khu, điểm du lịch là 5.000 lao động; nhà hàng, điểm mua sắm 4.000 lao động; phương tiện vận chuyển 5.000 lao động (tàu du lịch 3.000 lao động).Trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.350 cơ sở lưu trú du lịch với gần 20.000 phòng; hơn 500 tàu du lịch với hơn 20.500 chỗ ngồi; 170 tàu lưu trú với gần 2.000 phòng. Nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở giải trí đang hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cao của du khách.Nhìn vào bức tranh tổng thể nhân lực du lịch Quảng Ninh những năm gần đây, mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể cả về số lượng và chất lượng nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có và tốc độ cũng như tương lai phát triển mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, thái độ, phong cách làm việc của lao động thuộc các doanh nghiệp có sự chênh lệch đáng kể. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khách sạn 4 – 5 sao, tàu lưu trú du lịch, nhân lực được đào tạo bài bản theo yêu cầu phục vụ của doanh nghiệp, nên trình độ khá cao; trong khi đó, với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh cá thể…, thường sử dụng lao động có trình độ thấp, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn và lao động phổ thông. Bên cạnh đó, số lượng hướng dẫn viên tại các điểm du lịch trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, số lượng hướng dẫn viên sử dụng các ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan… còn rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã xác định Quảng Ninh tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 30.000 – 40.000 tỷ đồng. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10 – 15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành Du lịch tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu. Theo đó, tỉnh dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện, đồng thời công tác xã hội hóa đào tạo cũng đã được thúc đẩy, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ, với hình thức đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tỉnh đã ký kết với các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước...

 


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh