Quảng Ninh: Cán bộ trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí được nâng cao năng lực
- Dược liệu
- 16:32 - 10/12/2019
Từ ngày 12 đến 14/9/2019, tại thành phố Hạ Long, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh phối hợp với trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 20 cán bộ, nhân viên hệ thống Văn phòng Công tác xã hội các cấp và nhân viên mô hình tâm lý trị liệu về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng với chuyên đề "Tổng quan về rối loạn phổ tự kỷ, phương pháp nhận biết, can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ".
Khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Đỗ Anh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết: Năm 2013, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu rối nhiễu tâm trí trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", kết quả cho thấy: Tỷ lệ rối nhiễu tâm trí trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 10%. Nói cách khác, cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ có vấn đề về rối nhiễu tâm trí. Vấn đề rối nhiễu tâm trí ở trẻ em đang là một vấn đề cần được quan tâm bên cạnh sức khỏe thể chất. Nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì những trẻ này rất có thể lớn lên lại trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Do đó, hoạt động nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng, phương pháp cung cấp dịch vụ Công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, đặc biệt trong đó là trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng là vô cùng cần thiết. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ Công tác xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Nữ Tâm An, giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với các học viên về khái niệm tự kỷ, các mức độ chức năng của rối loạn phổ tự kỷ, phân tích sự đa dạng về mức độ và phân loại theo chức năng… Đặc biệt trong đó là hướng dẫn các phương pháp nhận biết và kỹ thuật can thiệp cơ bản đối với trẻ tự kỷ, với nội dung trọng tâm là cách nhận biết và xác định mục tiêu can thiệp. Đây là yếu tố cốt lõi trong hoạt động can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí.
Trong ba ngày tập huấn, các học viên đã đạt được mục tiêu là hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, phân tích được các đặc điểm cốt lõi của rối loạn phổ tự kỷ và thực hành vận dụng các phương pháp, chiến lược cơ bản trong can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Gần đây, một hội thảo mang tên "Truyền thông về Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ" cũng được tổ chức tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh, do Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức. Nhiều cán bộ làm công tác trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí của Quảng Ninh cũng tham dự hội thảo. Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với trẻ tự ký nhằm phát hiện sớm, can thiệp, trị liệu và phục hồi chức năng để giảm bớt tỷ lệ trẻ tự kỷ từ lứa tuổi mầm non. Qua đó thấy được vai trò của nghề công tác xã hội là rất lớn. Với việc trực tiếp can thiệp trẻ hàng ngày cho trẻ tự kỷ, do đó trong thời gian tới cần tăng cường đội ngũ cán bộ công tác xã hội có năng lực, phẩm chất; các cơ quan báo chí phải tuyên truyền về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đồng thời kiến nghị các giải pháp nâng cao công tác truyền thông, nhận thức chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ; phối hợp các nguồn lực, lồng ghép chương trình, dự án an sinh xã hội, phục hồi chức năng của trẻ tự kỷ.