CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:53

Quảng Ninh: Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 19.000 người khuyết tật, trong đó số có khả năng lao động là 3.367 người, chiếm 17,5% tổng số người khuyết tật; số không có khả năng lao động là 15.918 người, chiếm 82,5%. Số người khuyết tật có việc làm ổn định là khoảng 1.000 người và số không có việc làm 16.406 người, chiếm 85,07%.

Quảng Ninh dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. - Ảnh 1.

Dạy nghề cho người khuyết tật.

Những năm qua, công tác hỗ trợ lao động học nghề được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm. Mỗi năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 - 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Quỹ Việc làm dành cho người khuyết tật. Đến nay, tỉnh đã vận động thành lập và có quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, tạo việc làm cho 201 lao động là người khuyết tật với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng. Quỹ Việc làm dành cho người khuyết tật đã thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật tính đến thời điểm hiện tại là trên 14 tỷ đồng. Từ đó, hỗ trợ kinh phí cho 4 doanh nghiệp mua sắm thiết bị, vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000 người khuyết tật được đào tạo nghề; gần 1.000 chỗ làm được bố trí cho người khuyết tật; trên 1.000 hộ người khuyết tật được vay vốn phát triển kinh tế; trên 60% người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn 1,5 đến 2,2 lần so với quy định chung… Những hoạt động như: Cấp xe lăn, lắp đặt chân tay giả cho người khuyết tật, mổ đục thủy tinh thể cho người mù; trao học bổng cho học sinh mồ côi nghèo, khuyết tật vượt khó học giỏi; xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người khuyết tật nghèo được nhiều cấp, ngành quan tâm hỗ trợ. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập được Quỹ Việc làm cho người khuyết tật vào năm 2006 với tổng quỹ hiện nay là hơn 10 tỷ đồng. Sự quan tâm của nhà nước, cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức đã mang lại niềm an ủi cho người khuyết tật giúp nhiều người vượt qua bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ngoài ra, nhằm thực hiện công tác dạy nghề, tỉnh còn triển khai lồng ghép trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 838 người khuyết tật, chiếm 24,89% tổng số người khuyết tật có khả năng lao động, trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho người khuyết tật là 427 người.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai và giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ theo quy định của Trung ương. Hiện mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng là 350.000 đồng/tháng, cao hơn mức quy định của Trung ương (270.000 đồng/tháng). Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh thực hiện giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 11.000 người khuyết tật.

Quan tâm hơn nữa với doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật

Bên cạnh kết quả đạt được, số người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh còn thấp, chiếm 11,38% số lao động là người khuyết tật có khả năng lao động và chỉ chiếm 1,98% tổng số người khuyết tật. Công tác giải quyết việc làm, nhất là tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chưa vào cuộc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là người khuyết tật.

Quảng Ninh dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. - Ảnh 2.

Tặng quà cho người khuyết tật.

Đại diện doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật chia sẻ, với lao động bình thường, đào tạo sơ cấp may chỉ mất 6 tháng là có thể làm được nhưng với người khuyết tật thì phải mất hơn 1 năm. Vì vậy, cần có thời gian kiên trì để người khuyết tật có thể làm quen được với công việc.

Thêm nữa, việc tổ chức mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật gặp khó khăn (do khó tập trung được nhiều người khuyết tật chung cho một lớp). Các cơ sở đào tạo chưa tích cực trong việc tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn thiếu và chưa phù hợp với đối tượng là người khuyết tật. Bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật còn tự ti, chưa thật sự cố gắng vươn lên, còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tăng cường tuyên truyền, nhất là đối với các doanh nghiệp về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động là người khuyết tật vào làm việc, cũng như các quyền lợi của doanh nghiệp khi có lao động là người khuyết tật. Đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ đủ mạnh đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động; nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho người khuyết tật.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh