THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

Vai trò quan trọng của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội

Trẻ tự kỷ tại Việt Nam ngày càng tăng

Thông tin tại Hội thảo "Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ" diễn ra ngày 18/10, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: "Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Thời gian qua, trẻ mắc bệnh tự kỷ đã được can thiệp, điều trị điều trị theo nhiều phương pháp tại các trung tâm, gia đình khác nhau: giáo dục tâm lý, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động; thành lập các mô hình can thiệp sớm".

Vai trò quan trọng của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và ông Phùng Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em chủ trì hội thảo "Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ"

Điều đáng nói là số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua. Theo PGS.TS Phạm Minh Mục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm bảy năm trước đó. Xu thế mắc cũng tăng nhanh, từ 122-268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000. Tuy nhiên, cũng do chứng tự kỷ vẫn còn rất mơ hồ trong nhận thức của người Việt Nam nên so với con số sơ tính trên, thống kê của một số tổ chức nước ngoài về trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn lớn hơn nhiều.

Bên cạnh những kết quả đạt tích cực, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa hoàn toàn không có. Hiện chưa có nơi nào nhận chăm sóc và nuôi dưỡng người tự kỉ không sống độc lập được khi không có người thân.

Vai trò quan trọng của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội - Ảnh 2.

Số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua.

Theo cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật nói chung, trong đó có trẻ tự kỷ, tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp trẻ tự kỷ tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi.

Định hướng về việc Trợ giúp xã hội, Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ trong thời gian tới Cục bảo trợ xã hội cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng cung cấp dịch vụ và nhu cầu của trẻ tự kỷ. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ. Hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng; Xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện mô hình phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ dựa vào cộng đồng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam…

Vai trò của truyền thông với trẻ tự kỷ

Tham luận tại hội thảo, Nhà báo, TS. Hồ Bất khuất cho rằng, những gì chúng ta biết được về tự kỷ, hầu như đều nhờ báo chí, truyền thông: "Cách đây chỉ khoảng trên 10 năm thôi, đại đa số các ông bố, bà mẹ hầu như không biết gì về hội chứng tự kỷ. Còn hiện nay, hầu hết những người trưởng thành trong xã hội đều biết tới hiện tượng một số trẻ phát triển không bình thường, có những biểu hiện của trẻ khuyết tật được hiểu là trẻ tự kỷ. Có được điều này là do báo chí, truyền thông trong những năm gần đây nói nhiều về hội chứng tự kỷ. Với đặc điểm hoạt động báo chí, truyền thông của nước ta (báo chí được liên kết chặt chẽ bởi ngành tuyên giáo), hầu như tất cả các cơ quan báo chí đều vào cuộc, đều phản ánh về hội chứng tự kỷ. Chúng ta có thể thấy rằng, từ Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, đến báo Nhi Đồng, Gia đình và Trẻ em; các báo của các tỉnh, thành đều có hàng loạt bài về tự kỷ".

Vai trò quan trọng của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội - Ảnh 3.

Nhà báo, Tiến sĩ Hồ Bất Khuất chia sẻ kinh nghiệm truyền thông trong lĩnh vực trẻ em đặc biệt là trẻ em tự kỷ

 Về vai trò của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Truyền thông với vai trò và trách nhiệm xã hội đối với chứng tự kỉ là đem lại nhận thức đúng đắn về hội chứng này và nêu bật được tầm quan trọng của việc chăm sóc, can thiệp sớm, toàn diện đối với trẻ tự kỉ. Vì vậy Vai trò của cơ quan truyền thông hết sức quan trọng về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ. Việc truyền thông tốt, sâu rộng tới từng gia đình sẽ giúp người thân của trẻ tự kỷ nhận thức sớm được sự quan trọng, cần thiết trong việc can thiệp sớm, đưa trẻ tự kỷ đi chữa trị càng sớm càng tốt".

Vai trò quan trọng của truyền thông về trẻ tự kỷ và công tác xã hội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà yêu cầu cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ

Tại Hội thảo hôm, các chuyên gia đã trao đổi các ý kiến về thực trạng, những khuyến nghị với cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông để có thể phối hợp, tương tác thực hiện hiệu quả. Các khuyến nghị với gia đình trong việc chăm sóc trẻ; khuyến nghị với nhà trường, giáo viên để phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em tự kỷ.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh