CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Quảng Ngãi: Vợ chồng cựu chiến binh hăng say làm việc nghĩa

Cả 2 ông bà đều sinh ra và lớn lên trên miền đất anh hùng thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ông Võ Duy Liên (SN 1949) đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông gia nhập hàng ngũ quân đội khi vừa tròn 16 tuổi, còn bà Liên (SN 1952) cũng tham gia đội giao liên từ năm lên 13 tuổi.

Ngày đầu gia nhập quân đội ở Sư đoàn 2 Bộ binh (đóng quân tại tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng lúc bấy giờ), Võ Duy Liên hăng say học hỏi các kỹ năng chiến đấu và trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng. Sau thời gian dài nỗ lực, ông được đơn vị tin tưởng cho đi học tại trường Sĩ quan Lục quân I (tỉnh Hà Tây cũ)  năm 1974, với cấp bậc Chuẩn úy.

Vợ chồng ông Võ Duy Liên và Phạm Thị Năm.

Vợ chồng ông Võ Duy Liên và bà Phạm Thị Năm.

“Tôi còn nhớ như in, vào năm 1975, trong chiến dịch mùa xuân đại thắng tôi tham gia đánh địch ở Tam Kỳ (Quảng Nam), đạn của địch bay xuyên qua vùng chân của tôi, lúc này không thể di chuyển được, tôi vừa cắn răng chịu đựng sự đau đớn, vừa tiếp tục chiến đấu. Trong lúc giao chiến, tôi lại bị đạn địch bắn xuyên ngang làm cháy da ở sống mũi, may mắn tôi còn sống để tiếp tục cống hiến sức lực cho đất nước”, ông Liên nhớ lại.

 

Đến năm 1977, ông Liên tốt nghiệp ra trường và được phong quân hàm Thiếu úy. Trải qua nhiều vị trí công tác, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Duy Liên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở các trường chính trị (Quân khu V), trường Tổng hợp Đà Lạt (Lâm Đồng), trợ lý huấn luyện sĩ quan dự bị ở Lâm Đồng…

Từ năm 1989 đến 1998, ông Liên được điều về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi làm “nhà giáo áo lính” với cương vị trợ lý huấn luyện cho đến khi nghỉ hưu với hàm Thiếu tá.

Mang trên mình thương tật (thương binh hạng 3/4), mỗi khi thời tiết trở trời, cơ thể ông lại tê tái, thế nhưng nỗi đau thể xác vẫn không ngăn tinh thần cống hiến cho quê hương.

 Năm 2012, ông làm Chi hội trưởng Hội Khuyến học thôn Liên Hiệp II (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, nay là phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) và phát triển gần 500 hội viên cùng 8 phân hội khuyến học. Bên cạnh đó, ông thường xuyên vận động sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, nguồn lực xã hội khác hỗ trợ học sinh trong địa phương. Trong năm Nhâm Thìn, chi hội đã hỗ trợ trên 200 em đến trường.

Ông Võ Duy Liên luôn thấm nhuần 8 chữ vàng của Cựu chiến binh Việt Nam: TRọng nghĩa non sông, vện tình đồng đội.

Ông Võ Duy Liên luôn thấm nhuần 8 chữ vàng của cựu chiến binh Việt Nam: Trọn nghĩa non sông, vẹn tình đồng đội.

“Tuy sự hỗ trợ có khi chỉ là tập vở, khi là tiền hoặc cây viết... nhưng đã tiếp sức, động viên các em học khá, giỏi. Cả thôn bé nhỏ có 5 gia đình, 1 khu dân cư số 8 và 1 dòng họ Võ hiếu học”, vị Chi hội trưởng cho biết.

 

Hơn 10 năm làm công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương, ông Liên được người dân, chính quyền địa phương tin yêu. Qua đó, cá nhân ông được Hội Khuyến học cấp huyện, Chủ tịch UBND thị trấn và huyện Sơn Tịnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen với nhiều thành tích trong công tác khuyến học và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bà Phạm Thị Năm có cha tập kết ra Bắc, mẹ bà mang theo người em trai 7 tuồi lên núi tham gia cách mạng (em trai bà Phạm Thị Năm là ông Phạm Thanh Hải, nguyên giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi), còn bà được gửi cho bà ngoại nuôi dưỡng. 13 tuổi, Phạm Thị Năm đã làm giao liên cho các cơ sở cách mạng trong vùng. Sau này bà được cử ra làm giao liên tại huyện đảo Lý Sơn, bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng bà quyết không khai các cơ sở cách mạng và các đồng đội của mình.

“Tụi nó tra tấn cô dã man lắm cháu ơi, dùng đủ cực hình nhằm lấy thông tin. Chính vì biết lý lịch gia đình cô nên chúng làm đủ cách để thu thập tài liệu nhưng không thành. Nhiều ngày không khai báo gì chúng mang ra giữa tù cứ giáng báng sung lên đầu cô liên hồi. Cô bị thương tật 81%", bà Phạm Thị Năm nhớ lại.

2 ông bà gặp nhau vào năm đất nước hoàn toàn giải phóng và có với nhau 3 người con. Bây giờ ông bà vẫn đều đặn tham gia các hoạt động ở tổ dân phố.

Vừa qua, nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bà Phạm Thị Năm là 1 trong 6 đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi được vinh dự ra Hà Nội tham dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh