Quảng Ngãi: Sẽ dừng hỗ trợ các chương trình giảm nghèo kém hiệu quả
- Dược liệu
- 18:54 - 11/05/2017
Tại Sơn Linh và Sơn Cao của huyện Sơn Hà, qua kiểm tra mô hình sinh kế nuôi bò, heo, dê, trồng cây sưa, công trình xây dựng hạ tầng đầu tư từ các nguồn vốn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, Chương trình 30a, Chương trình 135 cho thấy hiệu quả chưa thực sự rõ rệt, một số dự án lãng phí nhiều tiền bạc nhưng không mang lại hiệu quả thiết thực cho người thụ hưởng.
Đối với mô hình nuôi bò, heo Móng Cái sinh sản hiện tại tỷ lệ sống khá cao, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Riêng mô hình nuôi dê, đến thời điểm này có thể xác định không phù hợp, do tỷ lệ chết quá cao. Mặc dù đã được đơn vị cung ứng giống cấp bù, nhưng phương thức chăn nuôi không hợp lý, dê không phát triển, tỷ lệ chết lên đến 50%.
Tại xã Sơn Linh, tiến độ xây dựng công trình từ nguồn vốn giảm nghèo quá chậm. Có dự án mới giải ngân 20%, trong khi thời hạn sắp hết. Một số dự án nhà thầu không tham gia bảo lãnh tạm ứng tại ngân hàng, nên không thể giải quyết tạm ứng trong quá trình thi công, ảnh hưởng đến giải ngân. Hợp phần phát triển sinh kế bền vững cho người nghèo năm 2017, được phân vốn 1,7 tỷ đồng, nhưng hiện chính quyền địa phương chưa thẩm định phương án chọn cây, con; chưa tìm đối tác cung ứng. Riêng ở xã Sơn Cao, mô hình nuôi dê, người dân đã không còn mặn mà và đề nghị không tiếp tục mô hình này nữa. Mô hình sinh kế trồng đậu phụng xen bắp lai đưa vào kế hoạch, nhưng không triển khai được.
Giai đoạn 2015 – 2017, toàn huyện Sơn Hà được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Chương trình 30a, Chương trình 135 phân bổ hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển sinh kế cho hộ nghèo. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm, do chính quyền lúng túng, chưa chủ động triển khai, chưa nắm vững kỹ năng quản lý, giải ngân vốn. Huyện Sơn Hà và các địa phương cũng kiến nghị tỉnh cần hỗ trợ sát sao hơn, đồng thời phê duyệt kế hoạch cấp phát vốn sớm, tránh tình trạng đến mùa mưa bão mới cấp vốn làm đường, trời rét mới cấp vốn mua cây, con giống hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ kiểm tra chương trình giảm nghèo bền vững tại huyện Sơn Hà. ảnh: Đông Hải
Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu huyện Sơn Hà và chính quyền các xã quan tâm hơn nữa việc triển khai chương trình giảm nghèo, đặc biệt là giám sát thực hiện. Nơi nào vốn cấp về không giải ngân hết, để xảy ra bị thu hồi vốn, thì chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm. “Huyện, xã cần soát xét lại, cây trồng, vật nuôi nào chết nhiều hoặc nuôi, trồng không hiệu quả phải loại bỏ ngay, tránh lãng phí. Đồng thời nghiên cứu chọn cây, con phù hợp thay thế để giúp dân giảm nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.