CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:24

Huyện Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả từ chương trình 30a

Ông Lê Tiến Lam, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh.

* Xin ông cho biết, huyện Lang Chánh đã triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo NQ 30a như thế nào?

- Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững theo NQ30a, Lang Chánh đã đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội; chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các chính sách hỗ trợ về việc làm, đào tạo nghề, ưu đãi tín dụng, giáo dục đào tạo, y tế, nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo góp phần đáng kể vào kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân trong địa bàn. Huyện đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện xuống xã, thị trấn. Nhờ đó, đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Xác định rõ, muốn giảm nghèo nhanh và bền vững, phải biết tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều nguồn lực khác nhau, từ Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần vượt khó, tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Trên cơ sở đó, Lang Chánh đã đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Thông qua các phòng chuyên môn, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, rà soát xác định hộ nghèo cho cán bộ xã và thôn, bản. Đồng thời, tổ chức đối thoại trực tiếp với người nghèo trên địa bàn của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, cận nghèo. Từ đó có những biện pháp, tìm ra hướng đi đúng cho từng hộ phát triển kinh tế phù hợp, tăng gia sản xuất, thâm canh nhằm thoát nghèo nhanh và bền vững. Các cơ sơ hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế…về cơ bản đã được đầu tư mới, nâng cấp khang trang hơn, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu hàng hóa thương mại… Nhờ vậy, Lang Chánh đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5,47%/năm (theo mục tiêu NQ 30a là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm). Năm 2014, Lang Chánh còn 36,47% tỷ lệ hộ nghèo và 19,92% hộ cận nghèo; đầu năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn  29,68%, hộ cận nghèo 20,75%.

* Quá trình thực hiện NQ 30a, Lang Chánh gặp khó khăn gì thưa ông?

- Phải khẳng định rằng, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là chủ trương lớn, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, giúp cho đồng bào các dân tộc miền núi nói chung, huyện Lang Chánh nói riêng xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực tế vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền xã chưa thực sự quan tâm đúng mức về công tác giảm nghèo của địa phương; công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo của các xã còn chồng chéo, chưa đưa về một đầu mối, khiến hiệu quả còn chưa cao; chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhỏ lẻ, dàn trải, nguồn lực thiếu, khó lồng ghép, khó thực hiện; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, thậm chí không muốn thoát nghèo. Người dân phải hiểu rằng, chính sách ưu đãi của Nhà nước là cơ hội, là đòn bẩy giúp họ vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, người nghèo phải nắm bắt và tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, chứ không nên ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi cho rằng, yếu tố quyết định dẫn đến hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững là sự chủ động vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo trong nhận thức của chính người dân, của cả cộng đồng dân cư, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu  theo công nghệ mới mang lại giá trị kinh tế cao ở  Lang Chánh.

* Năm 2016, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được huyện Lang Chánh đặt mục tiêu như thế nào, thưa ông?

 - Năm 2016, Lang Chánh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% trở lên. Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới, huyện sẽ tích cực lồng ghép có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo với chương trình nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng, xuyên suốt cả quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong một bộ phận người nghèo. Từ đó, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo của chính người nghèo. Phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong việc vận động đồng bào các dân tộc chấp hành pháp luật và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước đến với với người dân. Tập trung chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo, hộ nghèo; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, thủy lợi, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là động lực quan trọng để thoát nghèo. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nguồn lực tại chỗ tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và nguồn lực xã hội. Tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và tạo môi trường thuận lợi cho người nghèo tự lực vượt qua đói nghèo vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống.

Phổ biến, nhân rộng những mô hình kinh tế giỏi, tấm gương vươn lên thoát nghèo; những kinh nghiệm tốt của thôn, bản, của xã, trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Biểu dương các cá nhân tiêu biểu vượt khó, vươn lên trong công tác sản xuất, kinh doanh. Tập trung và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, phối hợp lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: kênh mương thuỷ lợi, đường xã, liên xã, trạm y tế xã, công sở, trường học.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm, chế biến nông, lâm sản, khai thác vật liệu; đầu tư đan xen vào vùng có nhiều đồng bào dân tộc, vừa giải quyết việc làm cho lao động, vừa thay đổi tập quán sinh hoạt và canh tác lạc hậu tại địa phương. Quản lý tốt các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo việc đầu tư đúng mục đích, đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

* Xin cảm ơn ông! 

HOÀNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh