THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Quảng Ngãi: Mô hình nuôi heo ky mang lại hiệu quả tích cực

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sơn Hà giảm còn 25,29%. Đây là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất ở 6 huyện miền núi của tỉnh và được Chính phủ công nhận là huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a.

Năm 2019, huyện Sơn Hà tiếp tục tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình 30a, chương trình 135, chương trình giảm nghèo Tây Nguyên để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Theo đó, trong năm nay, huyện Sơn Hà tiếp tục thực hiện Dự án "Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm heo ky Sơn Hà" và nhân rộng mô hình nuôi heo ky trên địa bàn, đây là mô hình đã được triển khai nhiều năm nay ở địa phương và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Bởi heo ky là loại heo rừng lai với heo bản địa, dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thời gian qua, ngoài sản phẩm thịt heo ky tươi, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hà đã hỗ trợ các nhóm hộ tổ chức sản xuất, chế biển sản phẩm heo ky xông khói, dòi, lạp xưởng heo ky, cung cấp cho 20 siêu thị Big C ở khu vực miền Trung và Nam..., mở ra hướng tiêu thụ bền vững và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Quảng Ngãi: Mô hình nuôi heo ky mang lại hiệu quả tích cực - Ảnh 2.

Mô hình nuôi heo ky tại các hộ gia đình đã mang hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Trong Dự án "Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm heo ky Sơn Hà" năm 2019, huyện Sơn Hà đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba tổ chức họp dân, chọn điểm, chọn hộ tham gia mô hình, đáp ứng các nhu cầu cơ bản như có diện tích đất đồi, vườn; có nguyện vọng và nhu cầu chăn nuôi heo ky; sức lao động, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học mới, có điều kiện đầu tư thêm ngoài mức hỗ trợ của mô hình, qua đó, Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba đã chọn 20 hộ để triển khai thực hiện mô hình (15 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo và 2 hộ mới thoát nghèo). Ngoài việc được Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh ở heo ky, các hộ tham gia mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, theo dõi trong suốt quá trình nuôi và chịu trách nhiệm, thu mua sản phẩm với giá bao tiêu 120.000 đồng/kg hơi.

Được biết tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 816 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 435 triệu đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng và các hộ tham gia mô hình đóng góp.

Theo đánh giá hiệu quả của Dự án, việc nhân rộng mô hình nuôi heo ky trên địa bàn huyện Sơn Hà không chỉ giúp hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo mà còn giúp người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, góp phần cải thiện thu nhập một cách bền vững cho người nghèo tại các vùng nông thôn, miền núi, thông qua việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận và tham gia các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Không những vậy, mô hình còn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Dự án cũng được đánh giá là có tính liên kết mạnh mẽ và khả thi cao, vì vậy khả năng thu hồi, luân chuyển vốn sản xuất của dự án là có khả năng thực hiện; dự án khả năng mở rộng, duy trì tính bền vững và nhân rộng cho nhiều địa bàn khác trong toàn huyện Sơn Hà, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.

Dự kiến sau khi Dự án "Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm heo ky Sơn Hà" kết thúc vào tháng 12/2020, số hộ nghèo thoát nghèo sau khi tham gia mô hình "nuôi heo ky" là 15 hộ, số lao động được giải quyết việc làm 20 người với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/hộ/tháng.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh