Quảng Nam tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”
- Pháp luật
- 09:51 - 03/01/2022
Theo đó, công văn nêu rõ, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kết quả đấu tranh phòng, chống TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều vụ việc liên quan được phát hiện, các đường dây hoạt động “tín dụng đen” được triệt xóa; tình trạng treo biển, phát tờ rơi quảng cáo đã giảm rõ rệt so với trước đây; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, tình hình TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, phát sinh nhiều thủ đoạn mới. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm thiệt hại đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội,... lợi dụng tình hình này, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lập nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến, các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội để tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật, lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống.
Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ hoạt động kinh doanh, các nhu cầu bất chính. Tình trạng các đối tượng kêu gọi, huy động vốn với lãi suất cao, thu lời bất chính lớn dưới hình thức đa cấp tài chính, tiền ảo, thành lập nhiều sàn giao dịch ảo để kêu gọi người đầu tư diễn biến phức tạp…
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn quản lý, nhất là đối với những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm này.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng, triệt xóa các băng nhóm, đường dây, đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan “tín dụng đen”. Đấu tranh mạnh với các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động như cho vay lãi nặng, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản... và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thường có mối quan hệ với “tín dụng đen” như cờ bạc, ma túy. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý đối với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn, như: Xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, cho vay với lãi suất ưu đãi giúp người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính đúng quy định. Ban hành cơ chế, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm…