THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:47

Đẩy lùi tín dụng đen, tăng cường tín dụng chính thức

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho hay, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/TTG của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen có nhiều diễn biến tích cực, thể hiện trên một số mặt như nhận thức của người dân được nâng cao, hoạt động cho vay và đòi nợ mang tính chất băng nhóm đã giảm, các đối tượng không còn công khai, lộng hành như trước.

Tuy nhiên, Trung tá Đỗ Minh Phương cũng đánh giá, tình hình tội phạm liên quan tín dụng đen còn nhiều nguy cơ và cần có thêm các giải pháp phòng ngừa. Các đối tượng cũng có dấu hiệu chuyển hướng phương thức, thủ phạm và hành vi hoạt động.

"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp để có những phương án tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen", Phó trưởng phòng Trọng án nhấn mạnh thêm.

Cho biết, tình hình tội phạm liên quan tín dụng đen còn nhiều nguy cơ và cần có thêm các giải pháp phòng ngừa. Các đối tượng cũng có dấu hiệu chuyển hướng phương thức, thủ phạm và hành vi hoạt động, ông Phương nêu rõ, dịch vụ tín dụng đen “truyền thống” đã có sự chuyển dịch, từ núp bóng dưới hình thức tiệm cầm đồ hoặc doanh nghiệp không có chức năng cho vay qua hình thức ứng dụng (app) cho vay, tạo khó khăn cho công tác kiểm soát do các đối tượng lợi dụng lỗ hổng về pháp lý.

Thủ đoạn của các đối tượng là lập những hợp đồng khống trong việc mua bán tài sản gây bất lợi cho "con nợ". Khi con nợ chưa trả theo đúng hẹn, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin đe dọa và phát tán hình ảnh bôi nhọ nhân phẩm. Trong khi đó, người dân phải trả một mức lãi suất rất cao bao gồm cả lãi phạt cao gấp nhiều lần so với nợ gốc ban đầu. Thời gian qua có vụ việc người vay phải trả lãi suất lên tới 1.700%/năm.

Vì thế, nói về giải pháp để hạn chế tín dụng đen từ ngành ngân hàng, bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, các tổ chức tín dụng cần phát triển các dịch vụ mới với món vay nhỏ, thủ tục thuận tiện. Thời gian qua, một số ngân hàng đã mở những gói dịch vụ cho vay mới với khoản vay lên đến 30 triệu đồng mà có thể giải ngân ngay trong ngày, rất phù hợp cho người dân.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục nội bộ để tiếp cận khách hàng. Tại những vùng chưa có chi nhánh, các tổ chức tín dụng có thể thiết lập mô hình ngân hàng lưu động. Hiện NHNN đã trình Chính phủ và các công ty viễn thông đã thí điểm triển khai hình thức Mobile Money, giúp người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Với các giải pháp trên, theo số liệu từ NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tín dụng đã có tăng trưởng 10,3 triệu tỷ đồng (hơn 12%). Lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn tăng trưởng hơn 12,3%, cho vay tín dụng tiêu dùng tăng, chiếm 20% dư nợ của nền kinh tế.

Mặt khác, theo các chuyên gia tại tọa đàm, các tổ chức tín dụng cần chú trọng đến số hóa, bởi điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí giao dịch, chi phí in ấn; thời gian xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn được rút ngắn; khách hàng không phải tới tận nơi, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cạnh ưu điểm, việc số hoá cũng tiềm ẩn rủi ro bảo mật thông tin cá nhân.

"Gần đây có tình trạng lợi dụng danh tính người khác để lập hồ sơ khống vay vốn, để lại hệ luỵ rất lớn về sau. Từ phía các công ty tài chính, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần cân nhắc kết hợp số hoá với các phương pháp truyền thống để tối đa hoá lợi ích của cả hai bên", đại diện NHNN nêu rõ.

Với giải pháp từ phía khách hàng, bà Đặng Thị Thanh Hồng cho rằng cần có biện pháp để tăng cường nhận thức thủ đoạn và tác hại nếu vay từ tín dụng đen để người dân tìm đến tín dụng chính thức khi có nhu cầu vay vốn.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT cho hay, ngành tài chính tiêu dùng phát triển ở các nước từ lâu, tuy nhiên, chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng 10 năm nay và còn mới mẻ với một bộ phận người dân.

Thu nhập của một bộ phận người dân ở nước ta còn thấp, nhu cầu vay lại cao. Trong một thời gian dài, việc cho vay của các ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp, chính vì vậy, đối với người thu nhập thấp, vấn đề đầu tiên là phải chứng minh thu nhập và tài sản.

Ông Phúc cũng đề cập đến vấn đề truyền thông, hệ thống tuyên truyền mạng xã hội đôi lúc gây ra sự hiểu lầm, đánh đồng tín dụng đen với hình thức cho vay tín chấp của các tổ chức tài chính tiêu dùng, khiến người dân e ngại. Một bộ phận người dân vẫn tìm đến nguồn vay không chính thức do không thể tiếp cận được công ty tài chính tiêu dùng vì mục đích cho vay không chính đáng hoặc không đáp ứng yêu cầu của tổ chức tài chính tiêu dùng.

Cho biết dịch vụ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có khác gì so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thành Phúc nhán mạnh, ngân hàng thương mại thường có các gói vay tiêu dùng giá trị lớn, ví dụ như vay xây nhà, mua ô tô có thế chấp…

"Đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp, không có quá nhiều khác biệt giữa Ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Điểm khác biệt lớn nhất là đối tượng cho vay. Đối với công ty tài chính tiêu dùng, đối tượng vay có thu nhập thấp hơn. Ngoài ra, còn có sự khác biệt về lãi suất, kỳ hạn. Trong khi công ty tài chính tiêu dùng có thể cho vay tối đa 100 triệu đồng, kỳ hạn trả nợ linh hoạt hơn…Như vậy, dịch vụ cho vay của công ty tài chính tiêu dùng hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập không ổn định, khó chứng minh thu nhập, vay vì mục đích trang trải cuộc sông hằng ngày là chủ yếu", vị Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT cho hay.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh