THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:48

Quảng Nam: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền về bình đẳng giới

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới được tỉnh Quảng Nam chú trọng tập trung tổ chức thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở, với nhiều nhóm đối tượng cũng như  hình thức và nội dung tuyên truyền khác nhau. Trong đó, các nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, trọng tâm là các kiến thức về giới, kiến thức có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; về phòng chống bạo lực gia đình sẽ được các cán bộ tuyên truyền phổ biến đến từng cơ sở, địa phương.

Không dừng lại ở hoạt động tuyên truyền trực tiếp, công tác bình đẳng giới ở Quảng Nam còn được cụ thể hóa qua những tin, bài, hình ảnh, phóng sự về những con người thật, việc thật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hay từ các cuộc thi tìm hiều về chính sách, pháp luật bình đẳng giới được tổ chức.

Theo đó, sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các cấp, sở, ban, ngành địa phương quan tâm thực hiện. Hiện nay hầu hết các đơn vị đều đã có bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần từng bước phát huy năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều chuyến đưa cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các tỉnh bạn như Nghệ An, Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh... Cử lãnh đạo, chuyên viên tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác bình đẳng giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và các hội nghị, hội thảo tham vấn chuyên đề về công tác bình đẳng giới...

Kết quả cho thấy, năm 2013, tỷ lệ đảng viên nữ toàn tỉnh Quảng Nam đạt 31,5%, tỷ lệ đảng viên nữ mới được kết nạp 41,5%. Trong đó, theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh năm 2013: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là 28.456 người, trong đó nữ chiếm: 18.012 người, tỷ lệ 63,3%; riêng cán bộ, công chức nữ: 1.006 người - trình đào tạo thạc sỹ 25 người, đại học 668 người, ...; viên chức nữ 17.006 người - trình độ đào tạo tiến sỹ 7 người, thạc sỹ 241 người, đại học 7.963 người.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015: 10,17%; nữ ủy viên thường vụ huyện, thành ủy: 6,22%; nữ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện: 4,3%; nữ trưởng phòng cấp huyện: 12,35%; nữ phó trưởng phòng cấp huyện: 20,3%.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015: 7,14%; nữ giám đốc, phó giám đốc và tương đương ở tỉnh: 10,66%; nữ trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành ở tỉnh: 17,99%; nữ phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành ở tỉnh: 22,56%.

Sở LĐ-TB&XH Tỉnh Quảng Nam cho biết, so sánh tỷ lệ đảng viên nữ, cán bộ, công chức, viên chức nữ cũng như cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý trên địa bàn trong những năm qua cho thấy có sự gia tăng hàng năm. Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý nói riêng ngày càng được nâng lên.

 Đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội và triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nhiều cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông, ... đã có những đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

             Đặc biệt với việc tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn, giao lưu dành cho nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo đã  góp phần giúp phụ nữ ngày càng nâng cao năng lực tham gia, đảm nhận các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Về chương trình hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới trong lĩnh vực ngành, địa phương có bất bình đẳng giới và nguy cơ bất bình đẳng giới cao, với việc thực hiện thí điểm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước.

Sau gần 3 năm triển khai mô hình, với sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của địa phương, đến nay mô hình đã tập hợp được các thành viên, gia đình trong cộng đồng tham gia sinh hoạt, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng; giáo dục các giá trị đạo đức lối sống trong gia đình, cộng đồng, tạo môi trường thân ái, đoàn kết, biết cách giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột. Tăng cường sự gắn kết và quan tâm trực tiếp của lãnh đạo địa phương đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bạo lực giới. Tình hình bạo lực trên cơ sở giới đã giảm hẳn, từ 41 trường hợp gia đình có bạo lực vào đầu năm 2012 đến nay giảm chỉ còn 06 trường hợp.

Tuy vậy,việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa rõ nét. Việc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể khiến hiệu quả chương trình quốc gia về bình đẳng giới ở địa phương chưa cao...

Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh