THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:08

Tiền Giang: Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

 

Lớp tập huấn tuyên truyền công tác bình đẳng giới của tỉnh.

 

          Xã hội phát triển, bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực đã góp phần hỗ trợ người phụ nữ chủ động tham gia xây dựng thành công hình ảnh những người phụ nữ hiện đại, giỏi việc nước, đảm việc nhà góp phần lớn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong thời gian qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới của tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước làm hạn chế và giảm dần tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nổi bật nhất là trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng; tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ngày càng nhiều. Kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới đã tác động rất lớn đến cách nghĩ của đại bộ phận chị em từ thành thị đến nông thôn. Vai trò đóng góp của lực lượng nữ tham gia vào các hoạt động trong mỗi lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn.  Cụ thể từ đầu nhiệm kỳ (2011 - 2016) toàn tỉnh có 761 nữ /4.817 người tham gia Ban Chấp hành đảng bộ các cấp, chiếm tỷ lệ 15,8%. Toàn tỉnh có 1.235 nữ/5.048 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, chiếm tỷ lệ 24,46%.

Trong năm 2014, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn cho 18.779 lượt lao động (đạt 104,3% kế hoạch), trong đó tư vấn cho lao động nữ là 8.615 lượt (chiếm 45,9% tổng số). Qua đó, đã giới thiệu việc làm cho 5.026 lao động (đạt 101% kế hoạch), trong đó, nữ là 2.393 lao động (chiếm 47,6% tổng số); có 2.956 lao động có được việc làm ổn định. Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề cấp tỉnh và các huyện đã hỗ trợ dạy nghề cho 6.458 lao động học nghề, đạt 87,27% kế hoạch năm 2014. Một số làng nghề cũng được phục hồi, mở rộng tạo điều kiện việc làm khá nhiều cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Hỗ trợ phụ nữ nghèo được vay vốn là 27.827/34.314, đạt 81,1%. Ngoài ra, còn có các nguồn vốn khác của các hội, đoàn thể, vốn tài trợ của các tổ chức giúp cho nhiều hộ nghèo vay vốn đề sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chị em còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật qua các phong trào của Hộ phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ chức khuyến nông - khuyến ngư nên đã cải thiện, nâng cao được đời sống nhân dân, nhiều hộ đã được thoát nghèo.

Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phủ khắp các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Ngành y  tế đã mở nhiều lớp đào tạo về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bác sĩ sản, nữ hộ sinh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nên đã giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa. Công tác tư vấn tại các cơ sở y tế được chú trọng. Tại các trạm y tế có phòng tư vấn giúp cho đối tượng tư vấn hiểu biết về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng.

Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang: Trong năm qua, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, cũng như nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới đã tác động tích cực đến hành vi của cộng đồng xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới. Trước đây, công việc nội trợ gia đình và chăm sóc con cái thường để phụ nữ lo toan, gánh vác là chính, nhưng hiện nay những công việc này đã được sự chia sẻ ngày càng nhiều của nam giới nên khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ ngày càng được rút ngắn, đây cũng là kết quả phần việc của sự thúc đẩy bình đẳng giới đáng được ghi nhận. Việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng bạo lực gia đình đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình được thành lập với mục đích phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới tại địa phương mình. Bên cạnh đó chính quyền các cấp đã hỗ trợ các đối tượng liên quan đến bạo lực về hỗ trợ tâm lý, tư vấn về sức khỏe và hỗ trợ phát triển các cơ sở tạm lánh cho các đối tượng bị bạo hành.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các Dự án Hỗ trợ bình đẳng giới trong các lĩnh vực vùng, địa phương có nguy cơ cao bất bình đẳng giới cụ thể:  Xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; Thực hiện Mô hình Câu lạc bộ Bình đẳng giới và Hôn nhân gia đình tại Xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè.  Sắp tới Sở  phối hợp với Liên đoàn Lao động và các cơ quan, ban ngành khác  tổ chức các buổi tập huấn về các quy định, chính sách pháp luật về Bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp cơ sở. Tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra giám sát công tác thực hiện bình đẳng giới ở các cấp huyện, xã, phường.

Ngọc Tánh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh