THỨ BẨY, NGÀY 21 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Quảng Nam: Gần 200.000 lao động được tạo việc làm

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Là tỉnh có lực lượng lao động đang làm việc trên 869 nghìn người, phần lớn làm việc trong khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm trên 52,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm trên 22,5 % và dịch vụ là 24,9%. Tổng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 của địa phương được bố trí là 35.685 triệu đồng (chỉ tính riêng nội dung Việc làm), trong đó ngân sách Trung ương là 17.745 triệu, ngân sách địa phương  là 17.000 triệu đồng cho Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh và 940 triệu đồng hỗ trợ đầu tư Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam.

Bằng nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động, trong 4 năm (2012-2015) Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề đã bố trí kinh phí 21.000 triệu đồng (trong đó Ngân sách địa phương bổ sung là 17.000 triệu đồng) cho hoạt động vay vốn tạo việc làm, đã có 6.435 dự án được duyệt vay vốn, thông qua đó tạo việc làm cho trên 8.800 lao động.

Đặc biệt, tính đến cuối tháng 6/2015 tổng nguồn vốn Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh Quảng Nam là gần 111.690 triệu đồng, bao gồm cả Trung ương và địa phương. Các hoạt động vay vốn giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn này đã góp phần rất lớn vào công tác giải quyết việc làm của tỉnh Quảng Nam, trong đó, nổi lên có nhiều mô hình hoạt động cho vay vốn có hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho nhiều lao động.

Tạo việc làm cho người lao động thông qua chợ việc làm

Bên cạnh kênh giải quyết việc làm từ nguồn vốn Qũy giải quyết việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cũng đã tổ chức được 82 phiên giao dịch việc làm (bình quân mỗi năm  20 phiên giao dịch việc làm), có hơn 1.800 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Qua 4 năm Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 47.416 lượt lao động, có 9.654 lao động được tuyển dụng thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm và sàn giao dịch việc làm, với 2.210 lao động tham gia học nghề...

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết: Hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 46 cơ sở dạy nghề, gồm: 2 trường cao đẳng nghề; 5 trường trung cấp nghề; 25 trung tâm dạy nghề; 14 cơ sở khác và doanh nghiệp có tham gia dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phân bố hợp lý theo cơ cấu ngành nghề, cơ cấu khu vực (trung tâm, đồng bằng, miền núi…) đảm bảo thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề và thuận lợi trong việc cung ứng nguồn lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Vẫn còn những khó khăn, tồn tại

Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên cũng phải thừa nhận, thực tế tại địa phương này vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại trong công tác triển khai thực hiện các hoạt động, dự án của chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề.

Cụ thể, với nỗ lực đưa lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo   Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Bộ LĐ-TB&XH bố trí cho tỉnh Quảng Nam gần 3.900 triệu đồng để hỗ trợ người lao động thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chi trả các khoản chi phí học ngoại ngữ, học nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết khi đi xuất khẩu lao động.  

Tuy nhiên, do các quy định của chính sách còn chưa phù hợp nên từ năm 2012 đến 2014 nguồn kinh phí này tại địa phương vẫn không thể giải ngân được, làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài chịu thiệt thòi mặc dù chính sách đã được ban hành.

Ngoài ra cũng phải kể đến như chất lượng nguồn lao động được tạo việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững còn thấp. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều so với nhu cầu, lực lượng lao động của tỉnh. Đáng nói, lao động đi làm việc ở nước ngoài phần lớn là lao động phổ thông hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Kỷ luật lao động, tác phong làm việc của người lao động chưa được nâng cao theo hướng công nghiệp.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm rất khó tổng hợp, sự quản lý, sử dụng nguồn vốn giải quyết việc làm ở các địa phương chưa đồng đều. Bên cạnh những địa phương thực hiện khá hiệu quả công tác này, một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn khá cao, nguồn vốn tồn ngân lớn. Chưa xây dựng được nhiều mô hình đầu tư vốn có quy mô lớn gắn với giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Trong khi đó, công tác thu thập thông tin thị trường lao động vẫn còn khá chậm so với tiến độ, chất lượng thông tin chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn kinh phí bố trí cho công tác này thấp...

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh