THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:03

Sau 8 năm là thành viên của WTO: Tạo việc làm cho gần 13 triệu lao động

 

Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)” do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày sáng 18/9 tại phiên họp thứ 41 của UBTV Quốc hội khóa XIII,  nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập WTO từ 2007 đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

UBTV Quốc hội thỏa luận báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO” 

Kết quả nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số ngành hàng đứng trong tốp đầu của thế giới.... Từ năm 2007 đến nay, xếp hạng của WTO về xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh; thị trường xuất khẩu đa dạng, mở rộng sang tất cả các châu lục; chất lượng và giá cạnh tranh hơn. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 50 thì năm 2014 xếp thứ 34; nhập khẩu hàng hóa năm 2007, xếp thứ 41, năm 2014, xếp thứ 32. Xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ năm 2007, xếp thứ 59, năm 2013, xếp thứ 54. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh...

Sau khi gia nhập WTO, huy động vốn đầu tư xã hội tăng và có sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư đúng hướng: tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước giảm dần và tỷ trọng từ khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 cao hơn so với trước năm 2007 (năm 2005: 14,9%; năm 2006: 16,2%). Giai đoạn 2007-2009 là giai đoạn bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sau đó giảm từ năm 2009 đến năm 2011; tăng từ năm 2012 và năm 2014 ở mức 21,9 tỷ USD. Đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng mạnh từ năm 2007, nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh; năm 2014, xuất khẩu đạt 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu là 9,74 tỷ USD

Trong giai đoạn 2007-2014, cả nước tạo việc làm cho 12,613 triệu lao động; trên 694.000 lao động làm việc ở nước ngoài, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp tích cực vào gia tăng dự trữ ngoại hối qua con đường kiều hối. Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007. Thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm bình quân đầu người một tháng tăng so với trước khi gia nhập WTO. Điều này phản ánh đời sống của người dân có sự cải thiện từ sau khi gia nhập WTO.

Sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã tạo được việc làm cho gần 13 triệu lao động, trong đó có nhiều lao động ngành dệt-may

“Sau khi ra nhập WTO, bước đầu nước ta đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều thách thức và hạn chế những tác động tiêu cực; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế”, ông Giầu nhấn mạnh.

Thảo luận về báo cáo giám sát, đa số thành viên UBTV Quốc hội cho rằng: báo cáo giám sát đã đánh giá khá toàn diện các lĩnh vực sau khi Việt Nam là thành viên của WTO. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng:"Cần phân tích sâu hơn, đặc biệt là những nguyên nhân của hạn chế, bài học rút ra để từ đó có giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng khi gia nhập WTO hay chưa? WTO đã có tác động đến đời sống – xã hội Việt Nam như thế nào. Người dân Việt Nam bị ảnh hưởng và được hưởng lợi gì sau khi tham gia WTO? Cần so sánh với các nước trong khu vực để thấy mức độ mà Việt Nam đạt được so với các nước để thấy được bước đi thành công cũng như nhìn nhận rõ thách thức để vượt qua”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Bguyeenx Sinh Hùng nhấn mạnh: "8 năm rồi thì sự tiến bộ, phát triển của nước ta có gần lại với sự phát triển các nước đi trước, hay khoảng cách xa hơn? Báo cáo cho thấy nhiều kết quả đạt được cao hơn so với trước khi gia nhập WTO. Nhưng đó chỉ là “vỏ”. 70% dân số nước ta là nông dân, do vậy nông dân là chủ thế trong quá trình hội nhập. Vậy tại sao tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO , còn ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể sau hội nhập? Đây là những vấn đề phải làm rõ. Làm rõ chất lượng tăng trưởng kinh tế, các yếu tố cấu thành, sức cạnh tranh của nền kinh tế thì mới giải quyết được những tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệp để tiếp tục tham gia các hiệp định khác”.

Ngọc Ước/Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh