Quảng Nam: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:14 - 15/11/2017
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Thùy, Phó GĐ Sở LĐ-TB& XH nêu rõ: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của tỉnh. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo có chất lượng sẽ khẳng định thương hiệu, uy tín và sẽ có nhiều lợi thế trong công tác tuyển sinh đào tạo và các hoạt động khác. Do đó đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp là mối quan tâm chung của cơ quan quản lý Nhà nước, của các cơ quan chủ quản và cả mỗi cơ sở giáo dục nghể nghiệp.
Ông Huỳnh Tấn Triều, GĐ Sở LĐ-TB& XH tỉnh Quảng Nam chủ trì Hội thảo. Ảnh: Giang Sơn
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh Ủy Quảng Nam về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đã xác định mục tiêu: "Nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tăng mạnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở trình độ cao đẳng, trung cấp; phấn đấu đến năm 2020 qui mô tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp của tỉnh đạt 10.000 người/năm". Đến năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt: 55% (chỉ tiêu là 54%); tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 22,5%.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, trong tham luận của mình đã nêu lên thực trạng của đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp hiện nay: Bên cạnh những mặt mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực như nâng lên về chuẩn trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm… thì vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như công tác phát triển, nâng cao chất lượng và đổi mới cơ chế còn chậm được khắc phục, một số cơ sở đào tạo giáo viên không thể hiện tính chuyên nghiệp. Việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực hành nghề cho giáo sinh hạn chế về thời lượng và chất lượng giảng dạy. Trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng cập nhật công nghệ mới, các phương pháp sư phạm hiện đại của giáo viên còn yếu. TS Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất 5 vấn đề cần nâng cáo về kiến thức cho giao viên là: Nâng cao kiến thức chuyên ngành, nâng cao kiến thức về chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức về kỹ năng dạy học, nâng cao kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục. Nâng cao kiến thức về tin học, ngoại ngữ phương pháp nhận thức.
Lãnh đạo các cơ sở GDNN tham gia Hội thảo.
Thạc sỹ Lương Văn Vui, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật đã trao đổi về vấn đề phối hợp tuyên truyền giáo dục về phân luồng học sinh từ cấp THCS-THPT, ông cho rằng việc tuyên truyền cần thực chất, cụ thể và thường xuyên, tuyên truyền cả ở trường học, xã hội và đặc biệt là gia đình.
Ông Nguyễn Qúi Quí, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề TN-DT-MN Quảng Nam lại nêu lên những nét đặc thù, khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo đối với vung đồng bào dân tộc thiểu số như, địa bàn rộng lớn, dân cư phân bố không đồng đều, địa hình đồi dốc nên khó khăn trong việc tập trung người lao động để tuyên truyền, vận động. Mặt khác, do bất đồng về ngôn ngữ và sự khác biệt về phong tục tập quán nên công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề chưa đạt hiệu quả cao. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và nhà trường chưa thật sự chặt chẽ trong công tác tư vấn, tuyên truyền, đưa thông tin về chế độ, chính sách học nghề đến với người lao động. Đồng thời tâm lý xã hội theo bằng cấp và cơ chế phân luồng đào tạo học sinh sau tốt nghiệp ở các trường trung học còn bất cập nên hạn chế việc định hướng học nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển học sinh đầu vào.
Trong hội thảo nhiều ý kiến cũng phân tích, mổ xẻ về những vấn đề “nóng” trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay như việc tuyển sinh, phân luồng học sinh hay vấn đề giáo dục nghề nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Kết thúc Hội thảo ông Nguyễn Thùy, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đã đánh giá rất cao những ý kiến tham luận của các Đại biểu, các tham luận đã nêu rõ bức tranh toàn cảnh của công tác GDNN của Quảng Nam và đề xuất nhiều giải pháp khoa học, thực tế, có nhiều sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GDNN tại Quảng Nam.