Quảng Bình: Thiết thực chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách
- Người có công
- 19:28 - 01/05/2023
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH Quảng Bình thường xuyên đưa hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng thành một nội dung quan trọng trong công tác. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định đối tượng và mức thăm, tặng quà cho NCC, thân nhân NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm.
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 422 trường hợp, trợ cấp một lần cho 1.220 trường hợp, trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến: 71 trường hợp; đình chỉ, chấm dứt, tạm dừng chế độ: 234 trường hợp; giải quyết hưởng ưu đãi giáo dục - đào tạo: 13 trường hợp; trang cấp dụng cụ chỉnh hình: 349 trường hợp; điều dưỡng phục hồi sức khỏe trên 5.541 người; đề nghị suy tôn liệt sĩ 02 trường hợp; cấp lại 49 Bằng Tổ quốc ghi công; giải quyết liên quan đến công tác mộ liệt sĩ: 113 trường hợp; tiếp nhận, an táng 28 hài cốt liệt sĩ do cơ quan quân đội quy tập (trong đó 17 hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào); lấy 29 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ phục vụ giám định ADN.
Cùng với các chính sách của Nhà nước, với phong trào đền ơn, đáp nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh đã giúp thương, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ vượt qua được khó khăn, ổn định đời sống, vui vẻ về tinh thần và phát huy được truyền thống cách mạng vẻ vang của bản thân, gia đình mình. Cũng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với nghị lực và cố gắng, nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã khắc phục khó khăn, lao động sản xuất giỏi, công tác tích cực, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, trở thành những công dân gương mẫu, gia đình văn hoá...
Tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; hướng dẫn thăm và tặng quà 26.000 lượt người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ với số tiền trên 32 tỷ đồng, trong đó quà của Chủ tịch nước 15,2 tỷ đồng, quà của tỉnh 16 tỷ đồng, quà của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều xuất quà tặng của cấp huyện, xã và các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm khác…
Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chu đáo việc đưa thân nhân liệt sĩ đi dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công; đưa 08 người có công tiêu biểu của tỉnh đi dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đưa 100 người có công tiêu biểu của tỉnh đi thăm Thủ đô Hà nội, Viếng Lăng Bác và gặp mặt Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca không quên” được truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV; vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đến nay đã thu được trên 1,2 tỷ đồng; giải quyết liên quan đến công tác hồ sơ với 7.747 lượt; rà soát toàn bộ con đẻ đang hưởng chế độ chất độc hóa học; kiểm tra việc thực hiện chính sách NCC tại cấp huyện, xã; tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và NCC về chế độ chính sách; hướng dẫn, trả lời kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến của người dân; thẩm định đề nghị xét công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giới thiệu 10 trường hợp giám định thương tật, bệnh tật…
“Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, NCC trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ chính sách nhằm nâng cao nhận thức và củng cố nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách cấp cơ sở. Thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ hưởng các chế độ chính sách; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với NCC; phối hợp thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động toàn dân thực hiện tốt phong trào chăm sóc gia đình và NCC với cách mạng; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nhằm tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc NCC với cách mạng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót ở cơ sở. Tổ chức đối thoại với Nhân dân về các chế độ chính sách ưu đãi NCC, xử lý kịp thời đơn thư của đối tượng; xử ký các kiến nghị của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH theo quy định…
Có thể nói, việc chăm lo cho gia đình chính sách, NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đây là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, NCC với cách mạng, góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta…”- ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình chia sẻ.