Quảng Bình: Hỗ trợ sinh kế, khắc phục hậu quả cho nạn nhân bom mìn
- Dược liệu
- 14:54 - 10/12/2019
Đồng hành cùng người khuyết tật, nạn nhân bom mìn
Tỉnh Quảng Bình, vùng đất khu vực bắc miền Trung trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ là vùng tuyến lửa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương tập kết của bộ đội và hàng hóa trực tiếp chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam.
Trong hai lần thực hiện leo thang dùng máy bay đánh phá miền Bắc (1964 - 1968) và (1972 - 1973) đế quốc Mỹ đã cho các loại máy bay đánh vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52, vùng đất này phải chịu hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người, đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà.
Sau chiến tranh, Quảng Bình có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích hơn 225.000ha chiếm 30% diện tích đất trên toàn tỉnh.
Ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu nổ trong chiến tranh đối với người dân Quảng Bình rất nặng nề.
Theo thống kê từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, tỉnh có hơn 45.000 người khuyết tật (chiếm 5,2% dân số) trong đó hơn 14.400 người khuyết tật nặng, 3.643 người khuyết tật đặc biệt nặng, 2.874 trẻ khuyết tật, 18.000 người nhiễm chất độc da cam. Đáng chú ý, có đến 90% người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Từ thực trạng này, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hỗ trợ sinh kế để người khuyết tật, nạn nhân bom mìn vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng được các cơ quan trung ương và địa phương quan tâm.
Dựa trên nền tảng hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Mạng lưới nạn nhân bom mìn được thành lập năm 2003. Năm 2010, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) một tổ chức phi chính phủ địa phương được thành lập và hiện là Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
Trong những năm gần đây, AEPD đã triển khai hoạt động tại hơn 87 xã, phường, tiếp cận và thu hút được trên 5.000 người khuyết tật, trong đó đã hỗ trợ sinh kế cho khoảng 3.000 gia đình; hỗ trợ sinh kế cho hơn 1.500 gia đình có người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh; 35 nhóm sản xuất/kinh doanh với gần 300 thành viên; thành lập 45 câu lạc bộ người khuyết tật cấp xã và 8 câu lạc bộ thanh niên khuyết tật với hơn 1.400 hội viên; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho 17 trạm y tế xã…
Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ người khuyết tật, AEPD đã kêu gọi được các dự án tài trợ bởi Đại sứ quán Ireland, Quỹ Phúc lợi xã hội Eden (Đài Loan, Trung Quốc), Quỹ Tín dụng Zebunet (Pháp), trường Đại học Geneve về Luật Nhân đạo quốc tế để hỗ trợ 11 nạn nhân bom mìn được đào tạo nghề (may mặc, cắt tóc, mộc dân dụng, mây tre đan) với số tiền trên 50 triệu đồng, tạo sinh kế cho 101 nạn nhân có việc làm tăng thu nhập, số tiền hơn 700 triệu đồng; tập huấn quản lý sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt, thú y cho 35 nạn nhân bom mìn với kinh phí 28 triệu đồng. Hội đã tổ chức tập huấn các kỹ năng mềm về kỹ năng sống, học vi tính, kỹ năng giao tiếp, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho khoảng 65 người dân, chủ yếu là thanh niên…
Không đầu hàng số phận
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Minh, nạn nhân bom mìn, ở thôn Nam, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch - vùng đất chịu nhiều bom đạn do máy bay Mỹ rải xuống trong chiến tranh. Vạn Trạch hiện có có 187 người khuyết tật, trong đó có 150 nạn nhân của bom mìn, vật liệu nổ.
Bằng nguồn hỗ trợ từ AEPD, nhiều nạn nhân bom, mìn ở Quảng Bình đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế. Công việc và thu nhập ổn định đã giúp những nạn nhân bom mìn tự tin hơn, từ đó vươn lên hòa nhập cộng đồng. Anh Minh cho biết, năm 1993, trong một lần đi kiếm phế liệu bom mìn, không may bị quả bom bi phát nổ gây thương tích cơ thể cụt một bàn tay, mất một mắt. Tuổi thanh niên đầy mơ ước hoài bão tưởng như đã khép lại với chàng trai này. Chán nản với bản thân bị thương tích, anh rời bỏ quê hương vào miền Nam mưu sinh làm đủ nghề bốc vác, chăm sóc vườn rẫy... Sau một thời gian lăn lội kiếm sống, anh quyết định trở về quê hương với suy nghĩ "Không đâu bằng quê mình".
Anh Minh được Chi hội AEPD thông qua dự án Eden hỗ trợ 6 triệu đồng nuôi lợn giống, sau một thời gian nuôi quay vòng, từ 6 triệu ban đầu, đã cho gia đình anh 70 triệu đồng từ bán lợn giống. Sau khi có cơ ngơi nhất định, anh Minh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng nuôi bò sinh sản, gà thả vườn, thầu 5 héc ta ao thả cá, nhận trồng và khai thác hàng trăm héc ta rừng keo….
Đưa chúng tôi đi thăm "cơ ngơi" của gia đình, anh phấn khởi cho biết, cuộc sống của gia đình nay đã ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
Anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, năm 1996 -1997 anh vào miền Nam mưu sinh làm nghề rẫy trồng củ mỳ (sắn). Trong một lần phát rẫy phạt phải quả bom bi phát nổ khiến anh mất một tay, cơ thể còn nhiều mảnh nổ. Năm 2001, anh trở về địa phương với hoàn cảnh rất khó khăn, chưa biết sinh sống ra sao. May mắn anh được AEPD và chính quyền xã tạo điều kiện vay vốn chăn nuôi gà thả vườn, sau đó anh quyết định chuyển sang nuôi trâu.
Chia tay anh Thắng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trương Hồng Hoàn, thôn Tây, xã Hiền Ninh. Anh Hoàn sinh năm 1984 cũng là một trong những tấm gương khuyết tật vươn lên từ khó khăn.
Anh Hoàn chia sẻ, số phận không may mắn khi anh bị tai nạn lao động mất một chân. Không nản chí, nuôi mơ ước học nghề điện dân dụng, anh Hoàn vào Quảng Trị, Đà Nẵng học nghề… Thành thạo nghề, năm 2006 anh trở về quê mở xưởng sửa chữa thiết bị điện dân dụng, thu hút thường xuyên 4 lao động, trả lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Được sự quan tâm, động viên từ AEPD, anh Hoàn tham gia vận động và thành lập CLB người khuyết tật xã Hiền Ninh, thu hút 40 hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình với các nghề: Mộc, mỹ nghệ, chăn nuôi, đan lát…..
Còn rất nhiều nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn đang từng ngày phải vượt lên nỗi đau để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Trong hành trình ấy, họ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng và doanh nghiệp; đặc biệt là sự hỗ trợ, động viên từ AEPD. Dù số tiền hỗ trợ từ AEPD không lớn nhưng đã tạo được chiếc "cần câu" giúp các nạn nhân bom mìn từng bước vượt qua khó khăn, có cơ hội cải thiện sinh kế, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn.