THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:59

Quảng Bình: Giải quyết việc làm – Tạo sinh kế cho lao động

Được biết, trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 2 đợt đưa người lao động về quê từ các tỉnh, thành phố phía Nam với gần 3.000 công dân về quê, còn lại là người lao động tự túc về để tránh dịch COVID-19. Trước tình hình đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đã nắm bắt, thống kê đầy đủ, phân loại, xác định nhu cầu lao động để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, triển khai hiệu quả công tác giải quyết việc làm để nhanh chóng ổn định tình hình, tạo sự yên tâm cho người lao động, người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, có 230 hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề phải dừng hoạt động, làm gần 2.400 lao động đối mặt với nguy cơ mất việc. Đặc biệt, có khoảng 8.000 lao động từ các tỉnh, thành phố về quê chưa có việc làm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm DVVL Quảng Bình đã tổ chức hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động  thông qua hình thức online thay cho việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thông qua đó, trung tâm còn nắm bắt xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn người lao động tìm được việc làm ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

Quảng Bình GQVL cho lao động nữ hồi hương

Quảng Bình GQVL cho lao động nữ hồi hương

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có 164 DN tham gia tuyển dụng tại trung tâm với nhu cầu tuyển dụng gần 4.917 LĐ có nhiều trình độ khác nhau. Trong đó, yêu cầu trình độ đại học trở lên 392 LĐ (7,9%), cao đẳng 581 LĐ (11,8%), trung cấp 914 LĐ (18,5%), sơ cấp nghề gần 1.160 LĐ (23,6%), LĐ phổ thông gần 1.900 LĐ (38,2%) và nhu cầu tuyển dụng LĐ nữ gần 1.900 LĐ (38%). Nhu cầu tuyển dụng trong năm 2021 tập trung chủ yếu ở 5 lĩnh vực, gồm: xây dựng 189 LĐ (3,8%), kinh tế 671 LĐ (13,7%), kỹ thuật 1.267 LĐ (25,8%), dịch vụ 1.300 LĐ (26,4), LĐ phổ thông 1.491 LĐ (30,3%).

 Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian tới, Trung tâm DVVL sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các phiên giao dịch việc làm online; đồng thời, trao đổi, thu thập, cung cấp thông tin về việc làm trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trong cả nước cho các LĐ có nhu cầu.

Dự ước năm 2021, Quảng Bình tạo việc làm cho 15.500 lao động (đạt 86,1% kế hoạch năm). Có khoảng 2.000 lao động được xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 55,5% kế hoạch năm). Dự ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 3.600 lượt khách hàng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, quỹ giải quyết việc làm địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH và nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động với doanh số trên 140 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.000 người.

Trong năm, cũng đã tổ chức 03 lớp tập huấn giới thiệu các điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 cho 210 doanh nghiệp; hướng dẫn cho hơn 20 doanh nghiệp xây dựng Nội quy lao động; thẩm định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho 09 công ty; tổ chức 02 hội nghị hướng dẫn các quy định mới liên quan đến tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài tại 23 doanh nghiệp; chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao đông nước ngoài của 33 đơn vị; giải quyết về giấy phép lao động cho 66 trường hợp người lao động nước ngoài và xác nhận 01 người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh và chăn nuôi cho người lao động và hộ gia đình

Hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh và chăn nuôi cho người lao động và hộ gia đình

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đã phối hợp với BHXH hướng dẫn, đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; giảm mức đóng vào bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giảm mức đóng BHTN và hỗ trợ người lao động đang tham gia BHTN”.

Theo Báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Bình, đến nay đã có trên 100.000 đối tượng được hỗ trợ theo các chính sách nêu trên với tổng kinh phí trên 100,796 tỷ đồng. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến số lượng người lao động nghỉ việc tăng lên nhưng số người tham gia BHXH vẫn đạt chỉ tiêu kế hoạch, dự ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 97.000 người lao động tham gia BHXH, trong đó: 69.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc và 28.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện. Số nợ đọng BHXH còn lại 46 tỷ đồng. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ cho 125.491 đối tượng là người lao động, người đang điều trị, cách ly y tế, hộ kinh doanh, cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất… với tổng số tiền 148,337 tỷ đồng.

Theo khảo sát của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, chỉ tính riêng huyện Bố Trạch, có tới gần 200 hộ gia đình vừa trở về từ các tỉnh thành miền Nam có nhu cầu vay vốn. Việc không cần thế chấp tài sản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.Ông Nguyễn Quang Trung xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch vừa trở về quê được hơn một tháng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, tạo việc làm mới. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía hệ thống Ngân hàng CSXH với gói vay ưu đãi 100 triệu đồng đã giúp ông mạnh dạn đầu tư, làm ăn trên chính quê hương mình.

Ông Nguyễn Quang Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện gia đình có đất đai, cơ sở vật chất, nay được vay vốn từ Ngân hàng CSXH giúp gia đình ông phát triển chăn nuôi theo mô hình vườn ao chuồng (VAC).

Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho hay, Ngân hàng CSXH có chủ trương cho bà con từ các tỉnh phía Nam trở về quê vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang triển khai và sẽ giám sát, tạo điều kiện cho bà con hoàn thành các thủ tục vay vốn triển khai một số mô hình thích hợp với vùng gò đồi của xã.

Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình hỗ trợ người lao động được vay vốn GQVL

Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình hỗ trợ người lao động được vay vốn GQVL

Việc tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình kinh tế VAC, được coi là định hướng chính của tỉnh Quảng Bình đối với các hộ gia đình này. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho người dân có nhu cầu, cũng được xem là những giải pháp cấp thiết nhằm tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân trở về quê hương sau đại dịch COVID-19.

 “Thực hiện văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ 21.942 người với 21,942 tỷ đồng cho người dân Quảng Bình đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tổ chức đón 02 đợt với 2.732 người Quảng Bình đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19” – ông Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm.

Trong năm, trung tâm DVVL Quảng Bình đã tổ chức 39 phiên giao dịch việc làm; có 23.381 lượt người được tư vấn; 4.470 lượt người được giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động; 203 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 3.407 người; hỗ trợ học nghề cho 186 người.

Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động - việc làm, BHXH, những nội dung mới của Bộ Luật lao động năm 2019.

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung khai thác các thị trường truyền thống có nhu cầu về trình độ công nhân kỹ thuật, có thu nhập cao, hạn chế thị trường có nhiều rủi ro; triển khai thực hiện Chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại một số địa phương Hàn Quốc khi Thỏa thuận được ký kết; tăng cường tham gia thị trường lao động ngư nghiệp đánh bắt gần bờ ở Hàn Quốc, Đài Loan phù hợp với trình độ và nghề nghiệp của người lao động; có giải pháp phù hợp để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tổ chức tập huấn định hướng xuất khẩu lao động để tạo nguồn kịp thời cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ kinh phí đào tạo định hướng cho con em hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ và hộ di dời giải tỏa mất đất sản xuất để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Phối hợp với Ngân hàng CSXH ưu tiên cho các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn có hiệu quả vay vốn để tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; ưu tiên cho những người thất nghiệp, thiếu việc làm vay vốn để tạo việc làm mới. Tiếp tục triển khai việc thu thập thông tin thị trường lao động năm 2022 và tổ chức chuyển giao cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động về cấp xã; cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm để giúp cho người lao động tìm được việc làm phù hợp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động - việc làm, thực hiện vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; xuất khẩu lao động, BHXH, sử dụng người lao động nước ngoài tại các đơn vị để kịp thời phát hiện các sai phạm, vướng mắc và có phương án xử lý phù hợp.      

 .

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh