THỨ HAI, NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2024 02:35

Chính sách giải quyết việc làm: Nhân văn trong chính sách an dân

 Gần 1.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 16.200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp nhà nước, 96 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 16.026 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Số doanh nghiệp này sử dụng khoảng 340.000 lao động (trong doanh nghiệp nhà nước là 14.000 người, trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 170.000 lao động, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 156.000 lao động). Trong đó, lao động trong các Khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh là: 99.500 lao động. Thu nhập bình quân doanh nghiệp Nhà nước: 5.600.000đ/người/tháng; doanh nghiệp FDI: 6.200.000đ/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh: 5.800.000 đ/người/tháng.

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đại dịch Covid-19 trong cả nước, nhiều tỉnh, thành phố đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+ của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi diện rộng, thời gian kéo dài. Thanh Hóa cũng đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tại nhiều địa phương, khu vực trên địa bàn tỉnh. Kéo theo đó, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn;các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải dừng, tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với yêu cầu, tiêu chuẩn phòng chống dịch cao nên gặp rất nhiều khó khăn như: Chuỗi cung ứng bị đứt gãy; hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, người lao động bị mất việc làm, thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn thăm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn thăm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Từ ngày 27/4/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 1.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động; 110.000 lao động phải ngừng việc và trên 9.000 lao động phải chấm hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh nên số hộ kinh doanh, hợp tác xã mới thành lập năm nay giảm so với năm trước, ước có 60.000 hộ kinh doanh tạm ngừng và dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến thu nhập của hơn 75.000 lao động, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng chủ yếu ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các hộ kinh doanh trong lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch; làm đẹp, chăm sóc sức khỏe; cơ sở dịch vụ cung cấp dịch vụ không thiết yếu (quán bar, các cơ sở kinh doanh karaoke, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet).

Nhân văn trong chính sách an dân

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chỉnh phủ được khẩn trương thực hiện, phát huy tính chủ động, linh hoạtcủa các cấp, các ngành, các địa phương. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP được thành lập từ tỉnh đến cơ sở; cùng với sự tham gia giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại 20/27 huyện, thị xã, thành phố nhằm đảm bảo công tác rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng được thực hiện chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch và nắm chắc nhu cầu lao động trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 7.303 lượt người sử dụng lao động, 290.661 lượt người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ với tổng kinh phí là: 45,4 tỷ đồng; đã có 5.965 người sử dụng lao động, 234.746 người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 565,2 tỷ đồng; đã có1.611 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) được hỗ trợ theo Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá với tổng kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 1.346.450.000 đồng, đây là chính sách riêng của tỉnh hỗ trợ 07 nhóm đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tối đa 1.500.000 đồng/người/lần hỗ trợ.

Người lao động Thanh Hoá nhận hỗ trợ theo NQ 68

Người lao động Thanh Hoá nhận hỗ trợ theo NQ 68

Ngân hàng CSXH Thanh Hoá đã cho 5.443 khách hàng được vay vốn trên 355.175 triệu đồng tạo việc làm cho 9.184 lao động. Dư nợ đến 30/11/2021 đạt 648.901 triệu đồng, với 12.084 khách hàng đang còn dư nợ.Về hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh số cho vay trong năm 2021 đạt 13.926 triệu đồng, với 161 khách hàng được vay vốn., dư nợ đạt 18.743 triệu đồng, Cho vay 351 người lao động từ vùng dịch trở về Thanh Hóa, trên 24.151 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cơ bản được phục hồi, đã có 1.300 doanh nghiệp đã đăng ký quay trở lại hoạt động. Trong 11 tháng dầu   năm 2021, đã có 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Ước thực hiện năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 67.000 lao động, vượt 13,6% mục tiêu kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: “Hiện nay, khoảng trên 50% người lao động đã có việc làm sau khi trở về địa phương. Sở đang tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp, nhà máy có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để kết nối, hướng dẫn và giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, liên hệ với Chi nhánh Ngân hàng chính sách của địa phương, nắm bắt thông tin các gói cho vay ưu đãi đối với các trường hợp lao động hồi hương để giúp họ tiếp cận với gói vay này.Có thể nói, thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lao động trở về Thanh Hóa và có nhu cầu việc làm tại quê nhà lên đến hàng chục nghìn người. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh các chương trình học nghề, giải quyết việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, các dự án, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với những thông tin về thị trường lao động để lựa chọn cho mình một việc làm thích hợp”.  

 “Trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm của lao động trở về từ vùng dịch theo Phiếu khảo sát kèm theo Phương án số 198/PA-UBND ngày 02/9/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Tiếp tục thu thập thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kết nối, hỗ trợ kịp thời.Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người lao động ở vùng dịch yên tâm ở lại, tiếp tục làm việc tại nơi sản xuất cũ trong tình hình dịch đã được kiểm soát và các doanh nghiệp trở lại hoạt động. Thông tin, tuyên truyền người lao động trở về từ vùng dịch ổn định cuộc sống tại địa phương, chủ động tiếp cận với các thông tin về thị trường lao động để lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp” – bà Vũ Thị Hương thông tin thêm.

Người lao động Thanh Hoá sau khi học nghề vào làm việc tại các doanh nghiệp tại địa phương

Người lao động Thanh Hoá sau khi học nghề vào làm việc tại các doanh nghiệp tại địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Trước những khó khăn trên và để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 và Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ về tín dụng, tài chính”.

“Về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly tập trung. UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH rà soát, phân loại, đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, tay nghề, kinh nghiệm của từng người lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động trở về địa phương để phân loại, xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, đào tạo lại nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian để người lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh để có phương án tiếp cận, tuyển dụng lao động ngay sau khi người lao động được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề. Tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, tổ chức luân phiên các phiên giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm tại các địa phương có nhiều lao động trở về để tăng cơ hội tiếp cận việc làm. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, không để đứt gãy chuỗi lao động trong các doanh nghiệp” - Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

Với các chính sách của Đảng, Nhà nước và các phương án giải quyết việc làm của tỉnh Thanh Hoá cho người lao động trong lúc này vừa tạo sinh kế cho người lao động, vừa giúp ổn định trật tự xã hội, vừa phát triển kinh tế và cũng vừa cho thấy sự nhân văn trong chính sách an dân.          

THU HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh