PVI: “ Vòng vo” trong lý giải thu hồi vốn tại các dự án liên quan tới Phạm Công Danh
- Pháp luật
- 19:25 - 01/09/2016
Trước đó, Báo Điện tử Dân Sinh, báo lao động và xã hội có bài viết: 450 tỷ đồng hợp tác với công ty của ông Phạm Công Danh, PVI có lấy lại được vốn. Theo đó, báo cáo ngày 17/2/2016 của Ban Kiểm soát nội bộ của Hội đồng thành viên PVN đã nêu lên một loạt các khoản đầu tư cần lưu ý trong danh mục đầu tư của PVI tại thời điểm 30.9.2015, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Khoản đầu tư được PVN nhắc đến đầu tiên là khoản hợp tác đầu tư ngắn hạn với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Thiên Thanh Group) có giá trị là 450 tỷ đồng tại 2 hợp đồng: Hợp đồng số 4/2011/HTĐT/PVI đầu tư 150 tỷ đồng với mục đích hợp tác kinh doanh khách sạn Green Plaza và hợp đồng số 06/2011/HTĐT/PVI đầu tư 300 tỷ đồng với mục đích kinh doanh cho thuê mặt bằng.
Đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh bất động sản thực hiện vào cuối năm 2011, đáo hạn vào cuối năm 2012, được thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, công ty được hưởng lãi suất cố định và không chịu rủi ro đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/9/2015, số dư đầu tư gốc vẫn là 450 tỷ đồng và PVI chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.
Cũng trong báo cáo, PVN cũng chỉ rõ, Tập đoàn Thiên thanh do ông Pham Công Danh là Chủ tịch HĐTV,ngày 29/7/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An đã công bố Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam bị can đối với ông Phạm Công Danh chủ tịch HĐTV tập đoàn; ông Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc; ông Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT, phụ trách tài chính vơi tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại công ty.
Để làm rõ thêm về các khoản đầu tư này, Báo đã có văn bản gửi lãnh đạo PVN (Công ty mẹ của PVI) hỏi về việc Công ty CP PVI đã có nhiều khoản đầu tư không hiệu quả, khó thu hồi vốn, trong đó nhiều khoản đầu tư liên quan đến các doanh nghiệp lừa đảo và đề nghị PVI cung cấp thông tin về quá trình xử lý, thu hồi vốn ở một số khoản đầu tư của Công ty này như thế nào. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn không nắm được thông tin và chuyển văn bản xuống cho PVI trả lời.
Giải thích về các khoản đầu tư với Tập đoàn Thiên Thanh, ông Vũ Văn Thắng – Phó Tổng Giám đốc PVI cho biết: Năm 2011. PVI và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có 02 hợp đồng hợp tác với số vốn của PVI là 450 tỷ đồng. Đến năm 2013, các bên đã thỏa thuận xong về việc xử lý hợp đồng. Tài sản được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của PVI theo quy định của Pháp luật. “ Vì vậy, việc ông Phạm Công Danh bị khởi tố và bị bắt năm 2014 trong vụ án Ngân hàng Xây dựng không liên quan đến PVI và các khoản đầu tư giữa PVI và Thiên thanh trước đây” – ông Thắng khẳng định.
Tuy nhiên, việc xử lý các khoản nợ này được thực hiện như thế nào vẫn chưa được ông Thắng trả lời rõ. Trong khi đó, báo cáo số 556/PVI-BKS ngày 29/7/2016 của PVI gửi Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong tổng số 450 tỷ với 2 hợp đồng hợp tác với công ty của ông Phạm Công Danh thì đến thời điểm 30/6/2016, PVI mới giải quyết dứt điểm được 150 tỷ đồng với dự án đầu tư kinh doanh khách sạn Green Plaza, 300 tỷ đồng còn lại PVI vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Cổ đông và dư luận băn khoăn trong bối cảnh Phạm Công Danh là bị cáo trong quá trình tố tụng kéo dài thì khoản đầu tư này sẽ giải quyết như thế nào và liệu có thu hồi được hết vốn hay không?
Đối với khoản đầu tư cổ phiếu liên quan đến công ty cổ phần Công ty CP Chứng khoán SME, ông Thắng cho biết: Năm 2011, ngày sau khi SME có dấu hiệu xác nhận khống chứng khoán trên tài khoản, PVI đã chủ động đề nghị và tích cực hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an)… Đến nay, PVI đã thu hồi 80% giá trị khoản đầu tư, giá trị còn lại đã được trích lập dự phòng 100% tại ngày 31/12/2011 theo đúng quy định.
Mặc dù, trước đây PVI có nhiều khoản đầu tư, kinh doanh không hiệu quả, song đến này Tập đoàn dầu khí Việt Nam vẫn chưa có biện pháp xử lý các hoạt động kinh doanh này của PVI.