450 tỷ đồng hợp tác với công ty của ông Phạm Công Danh, PVI có lấy lại được vốn?
- Pháp luật
- 23:02 - 04/08/2016
450 tỷ đồng hợp tác với ông Phạm Công Danh
Trong khi dư luận đang rất quan tâm hướng về vụ xét xử ông Phạm Công Danh, Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng đang phải “hầu tòa” do làm thất thoát 9.000 tỷ đồng, theo tìm hiểu của chúng tôi, một đơn vị “con” của Tập đoàn dầu khí đã đầu tư vào doanh nghiệp của Phạm Công Danh khoản tiền 450 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Cụ thể, theo một báo cáo của Ban Kiểm soát nội bộ của Hội đồng thành viên PVN vào đầu năm 2016 đã nêu rõ: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu có xu hướng giảm. Theo đó, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm cũng có xu hướng giảm mặc dù thặng dư vốn cổ phần tương đối lớn (3.323 tỷ đồng/2.343 tỷ đồng vốn điều lệ) và đơn vị không phải trả phí sử dụng cho nguồn vốn này.
Áp giải Phạm Công Danh tới hầu Tòa Hầu tòa cùng với ông Phạm Công Danh còn có hơn 30 bị cáo khác liên quan. Nguồn ảnh: Internet.
Đặc biệt, một số khoản đầu tư cần lưu ý trong danh mục đầu tư của PVI tại thời điểm 30.9.2015 (Các khoản tài chính đã quá hạn và tồn tại lâu trên báo cáo tài chính (BCTC)) mặc dù PVI đã có những nỗ lực trong công tác thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm như: Khoản hợp tác đầu tư ngắn hạn với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Thiên Thanh Group) có giá trị là 450 tỷ đồng tại 2 hợp đồng: Hợp đồng số 4/2011/HTĐT/PVI đầu tư 150 tỷ đồng với mục đích hợp tác kinh doanh khách sạn Green Plaza và hợp đồng số 06/2011/HTĐT/PVI đầu tư 300 tỷ đồng với mục đích kinh doanh cho thuê mặt bằng. Đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh bất động sản thực hiện vào cuối năm 2011, đáo hạn vào cuối năm 2012, được thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, công ty được hưởng lãi suất cố định và không chịu rủi ro đầu tư. Đến thời điểm 30.9.2015, số dư đầu tư gốc vẫn là 450 tỷ đồng và PVI chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.
Báo cáo này cũng nêu rõ, Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐTV. Ngày 27.9.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An đã công bố Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn.
Báo cáo mới nhất của PVI cho thấy, trong tổng số 450 tỷ với 2 hợp đồng hợp tác với công ty của ông Phạm Công Danh thì hiện tại PVI mới giải quyết dứt điểm được 150 tỷ đồng với dự án đầu tư kinh doanh khách sạn Green Plaza, 300 tỷ đồng còn lại PVI vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Nhiều khoản đầu tư không mang lại hiệu quả
Theo tìm hiểu của PV, PVI không chỉ đầu tư vào doanh nghiệp của ông Phạm Công Danh dẫn tới việc bỏ vốn ra không mang lại hiệu quả mà thực tế PVI còn “vung tiền” vào nhiều lĩnh vực đầu tư khác ngoài ngành.
Cụ thể, Hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với ông Hoàng Ngọc Anh và Công ty cổ phần tư vấn Anh. Đây là hoạt động đầu tư với cá nhân và doanh nghiệp với mục đích đầu tư chứng khoán niêm yết, PVI chuyển vốn cho khách hàng và hưởng lãi suất cố định trên vốn đầu tư từ 13 đến 18%/năm với tổng giá trị vốn gốc ban đầu là 107,8 tỷ đồng thông qua trung gian kiểm soát và phong tỏa chứng khoán là Công ty CP Chứng khoán doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), lãi suất 13%/năm, thời hạn 22.4.2010 đến 17.4.2011. PVI đã trích lập dự phòng 100% cho toàn bộ số vốn gốc và lãi phải thu trên cơ sở SME đang bị hạn chế giao dịch, mất khả năng thanh toán. Giá trị gốc còn lại của hợp đồng là 23,81 tỷ đồng. Liên quan tới sự việc này, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội khi đưa ra xét xử đã xác định, ông Bùi Vạn Thuận, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc PVI và ông Trần Văn Quý, Phó tổng giám đốc PVI được xác định là chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự sau khi bị lừa 107 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVI còn tham gia vào hoạt động ủy thác đầu tư dài hạn thông qua các tổ chức tín dụng, thông qua các ngân hàng từ năm 2008, thời gian ủy thác từ 4,5 đến 5 năm, PVI được hưởng lãi suất thả nổi và chịu rủi ro sử dụng vốn vay. Với lĩnh vực này, PVI ủy thác cho SeaBank Hải Phòng để cho khách hàng là Công ty Cổ phần Đầu tư và vận tải DK Vinashin vay vốn mua tàu ngày 18.2.2008 số tiền gốc ban đầu là 160 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng. Đến thời điểm 30.9.2015, dư nợ gốc quá hạn đã lên tới 77,44 tỷ đồng và lãi phải thu quá hạn là 9,99 tỷ đồng; PVI cũng ủy thác cho vay với SHB 100 tỷ; ủy thác cho Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 100 tỷ; PVI còn một khoản đầu tư cổ phiếu OTC với tổng giá trị 107 tỷ đồng…
Theo Báo cáo sử dụng vốn của PVI, lợi nhuận của PVI chủ yếu từ 2 công ty con là Tổng Công ty bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI và lãi tiền gửi ngân hàng, các hoạt động đầu tư khác (hợp tác đầu tư, chứng khoán, ủy thác…) hầu như không mang lại hiệu quả, nhiều khoản mục đầu tư không có khả năng thu hồi vốn và PVI đã phải trích lập dự phòng cho các khoản mục này là 327,2 tỷ đồng.