CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:09

Phường rối năm tuổi ngày ấy- bây giờ

Tiếp nối truyền thống  

Theo các bậc cao niên trong làng, ông tổ của phường là cụ Đào Đặng Khiêm. Cụ làm quan Nội giám trong triều đình nhà Lê nên có điều kiện tiếp thu được các phương thức biểu diễn rối nước của các phường khi biểu diễn cho vua, quan xem. Lúc cáo quan về quê, cụ đem những kiến thức rối nước đã học được dạy lại cho người trong thôn rồi sau đó thành lập phường rối nước Đào Thục, với mục đích giúp mọi người trong làng có một thú vui giải trí hữu ích.

Từ xa xưa đến nay người làng Đào Thục luôn tự hào đây là một trong những cái nôi lâu đời nhất của môn nghệ thuật rối nước nên từ trẻ con tới người già, không ít thì nhiều đều biết điều khiển những con rối. Rối nước Đào Thục có tiếng khắp vùng đồng bằng Sông Hồng thời ấy. Những tích trò cổ như: “Cáo bắt vịt”, “Câu ếch”, “Múa rồng”, “Đấu vật”... với cách điều khiển con rối sinh động, vui nhộn đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả khắp các vùng, ai xem xong cũng tấm tắc khen hay. Từ đó nhắc tới múa rối nước người ta thường nói ngay tới thương hiệu rối nước Đào Thục.

Thời gian trôi qua bất chấp những biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay rối nước Đào Thục đã bước sang tuổi thứ 300. Đã có thời điểm tưởng chừng rối nước Đào Thục sẽ biến mất, nhưng rồi mọi khó khăn đều vượt qua và rối nước vẫn tồn tại. Theo ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng đoàn rối nước Đào Thục, để giữ gìn được bộ môn nghệ thuật này tại nơi mà nó sinh ra không chỉ nhờ vào tình yêu mà trong mỗi người dân Đào Thục luôn coi đó là trách nhiệm.

Hiện nay phường có hơn 50 thành viên,  trong đó có 30 người tham gia hoạt động thường xuyên, với đủ các thành phần, lứa tuổi trẻ thì 20 tuổi, già thì 60 tuổi. Thành viên chính trong phường rối chủ yếu là những người nông dân một nắng, hai sương, ngày họ quần quật với ruộng đồng, tối họ lại trở thành nghệ nhân điều khiển những con rối điêu luyện.

Để khẳng định “thương hiệu” lâu đời trong nghệ thuật rối nước, ông Chương cho biết,  phải “đem quân” đi thi tại các hội diễn văn hóa, có như vậy mọi người mới biết đến rối nước Đào Thục nhiều hơn. Năm 1994, lần đầu tiên tham gia Liên hoan rối nước toàn quốc lần thứ nhất, phường rối Đào Thục ngay lập tức giành giải bạc, cùng nhiều giải thưởng khác dành riêng cho những tích trò.  Mới đây nhất phường rối đã giành giải vàng trong hội diễn rối nước tại Hải Dương với các tích trò “Phùng Hưng đánh hổ”, “Trâu chui qua ống”, “Lên võng xuống ngựa”...

Khán giả là thượng đế

Thời điểm hiện tại, loại hình sân khấu dân gian rối nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển. Do lượng người xem bộ môn này ngày càng ít, mà việc duy trì hoạt động của các phường rối nước vẫn phải diễn ra nên hiện nay đại đa số các đoàn chỉ “sống” lay lắt, cầm chừng. Các nghệ nhân rối nước tại các phường không thể sống trực tiếp bằng nghề này nên buộc phải làm thêm nhiều nghề khác để kiếm sống, do đó không thể chuyên tâm hoạt động.

Bài toán tìm đâu ra khán giả để có nguồn thu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết với các phường rối nước. Phường rối nước Đào Thục cũng đã từng rơi vào tình cảnh tương tự nhưng sớm nắm bắt được sự chuyển hướng thị hiếu của khán giả nên phường đã có những thay đổi nhanh chóng để bắt kịp được với tình hình chung. 

Theo ông Chương, muốn kéo khán giả đến với mình thì phường rối phải có nhiều tích trò mới mẻ, hấp dẫn. Bên cạnh những tích trò cũ, anh, chị em trong phường cũng thường xuyên sáng tác thêm nhiều tích trò mới có nội dung phong phú, gần gũi với hiện thực cuộc sống như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Chiến sĩ biên phòng”, “Hà Nội 12 ngày đêm”... Để thẩm định chất lượng các tích trò mới, trước tiên phường sẽ biểu diễn ngay tại làng để bà con trong thôn đánh giá, khi đạt chất lượng cả về nội dung lẫn yếu tố nghệ thuật thì sẽ mang đi biểu diễn ở các nơi khác.

Với phương châm “Khán giả chính là nguồn sống”, không làm theo cách cũ cứ ngồi nhà mà chờ khán giả tới xem, phường rối Đào Thục thành lập hẳn một ban marketting bao gồm những thành viên trẻ tuổi, năng động chuyên làm nhiệm vụ truyền thông và tìm kiếm thị trường. Họ liên hệ với các công ty du lịch, hai bên thỏa thuận giá dịch vụ, sau đó ký hợp đồng biểu diễn. Có ngày phường rối phục vụ biểu diễn cho ba đoàn khách du lịch cả trong nước lẫn khách du lịch nước ngoài. Mỗi đợt biểu diễn như vậy tiền thù lao ít cũng phải 2 triệu đồng, nhiều có khi lên tới cả chục triệu.

 Không bỏ quên nguồn thị trường từ các cơ quan, công ty... cứ tới những ngày lễ, hội, hay ngày cuối tuần, thành viên trong ban marketting lại tới “tiếp thị” đặt lịch biểu diễn cho cán bộ, công nhân viên các công ty xem. Cứ như vậy phường rối nước Đào Thục vẫn kín lịch chạy diễn các “show”. Anh Nguyễn Văn Út,  thành viên của phường rối chia sẻ: “Biểu diễn nhiều tuy có mệt nhưng mà ham, trong đoàn ai cũng vui lắm bởi phường rối đã dần sống được với nghề mà cha ông để lại”.

Coi khán giả là thượng đế, không để họ phải lặn lội đường xa tới tận nơi mới xem được múa rối nước, phường rối Đào Thục đã chủ động tới tận nơi phục vụ. Tuy nhiên việc biểu diễn trên cạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn dưới nước như không có hồ thủy đình. Để khắc phục, các thành viên lại hì hục chế tạo một chiếc hồ thủy đình trên cạn bằng cách hàn các khung sắt tới khi biểu diễn sẽ trải bạt rồi bơm nước vào. Chỉ cần có “đơn đặt hàng” là cả phường rối lại lên ô tô thẳng tới nơi có nhu cầu xem để phục vụ khán giả. Mới đây nhất phường tới biểu diễn cho các bệnh nhi tại bệnh viện Bạch Mai bằng cách làm tương tự.

 Không chỉ phục vụ thị trường khán giả trong nước, phường rối Đào Thục đã nhiều lần “cất quân” đi lưu diễn ở nước ngoài. Năm 2004, trong Liên hoan giao lưu Văn hóa Việt – Trung, phường rối Đào Thục đã thay mặt hàng chục phường rối trên khắp cả nước sang Trung Quốc biểu diễn rối nước. Đặc biệt năm 2006, phường rối được mời sang Hà Lan phục vụ kiều bào cũng như các khán giả trời “Tây”. Ngay sau khi biểu diễn xong các tiết mục “Lên võng xuống ngựa”, “Múa sư tử”, “Rước kiệu”…cả hội trường đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay, nhiều khán giả “Tây” chạy lên tặng hoa và tỏ lòng khâm phục, không ngờ Việt Nam có một môn nghệ thuật thú vị đến thế.

Với hướng đi đúng đắn đến nay phường rối Đào Thục luôn có một nguồn thu khá ổn định. Các thành viên trong phường rối đã yên tâm phần nào để có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp giữ gìn và bảo tồn loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này.          

THÁI BÌNH-THANH NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh