THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:23

Nghệ thuật múa rối và trăn trở của người trong cuộc

Mỗi năm, doanh thu của Nhà hát Múa rối Thăng Long - đơn vị duy nhất của Việt Nam được ghi nhận kỷ lục châu Á với 365 buổi đỏ đèn, đạt đến con số “khủng” khoảng 40 tỉ đồng. Đây là những con số mà các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống khác chưa bao giờ dám mơ tới.

Nhiều khán giả, thu nhập khá, những tưởng đã là lý tưởng cho những nghệ sĩ múa rối ở thời điểm hiện tại, song thực tế các nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật này đang mang nặng những trăn trở, ưu tư. Nói như GS.TS. Phạm Duy Khuê, múa rối đã “ăn” vào vốn của cha ông quá nhiều, và không thể cứ “ăn mày dĩ vãng” mãi như thế. Đã đến lúc người làm nghề có tự trọng hiểu rằng, họ không thể cứ mải miết kiếm tiền mà quên mất phải làm giàu thực sự cho bộ môn nghệ thuật này.Nghệ thuật múa rối và trăn trở của người trong cuộc

PGS.TS. Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, sở dĩ nghệ thuật rối nước cuốn hút khán giả 5 châu là bởi những giá trị nghệ thuật độc đáo và vị trí “độc nhất vô nhị”.

Nhưng, liệu rối nước Việt Nam có giữ mãi được sức cuốn hút đối với công chúng xa gần? Liệu mươi năm, vài chục năm nữa, người ta có còn “kháo nhau” về một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo duy nhất có ở Việt Nam đáng đến, đáng xem khi đến Hà Nội, như rất nhiều lời tán dương và chỉ dẫn dễ dàng tìm thấy trên các trang mạng hay trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch hiện nay?

PGS.TS. Lê Thị Hoài Phương kể: “Cách đây đúng 25 năm, tôi đi cùng đoàn nghệ thuật Rối nước của tỉnh Hà Nam Ninh sang biểu diễn tại tỉnh kết nghĩa Astrakhan của Liên Xô. Để chuẩn bị chương trình cho chuyến đi, tham tán văn hóa của Liên Xô tại Việt Nam lúc bấy giờ là nhà văn A. Levin, đã nói: “Nếu chương trình chỉ toàn là những trò diễn truyền thống đơn lẻ như hiện có thì e rằng khán giả sẽ chóng chán. Khán giả của chúng tôi xem biểu diễn sân khấu đã quen phải xem vở diễn, nghĩa là phải có câu chuyện hẳn hoi...”.

Thế là, trên cơ sở 16 trò diễn truyền thống vốn có của Rối nước Nam Chấn (Hà Nam Ninh) và Rối nước Nguyên Xá (Thái Bình), nhà văn Levin đã viết thành một kịch bản có tên “Thanh gươm Lê Lợi”, làm cho chương trình trở nên hấp dẫn và dễ hiểu hơn đối với các khán giả Liên Xô. Rối nước muốn phát triển hơn, muốn đi xa hơn thì cần phải cải tiến, phải đổi mới tiết mục cho phù hợp với đối tượng khán giả mới.

Nhưng cải tiến, đổi mới làm sao mà vẫn giữ được cái cốt cách Việt Nam, cái tinh túy của truyền thống là điều không dễ. Trọng trách này đặt lên vai các nghệ sĩ ngành nghệ thuật rối”. Nghệ thuật múa rối và trăn trở của người trong cuộc

Cũng không phải các nghệ sĩ Múa rối hiện nay không hiểu được nhiệm vụ quan trọng cần làm cho nghề nghiệp của mình. Nhưng làm như thế nào? Không phải cứ có tiền là có thể làm được tất cả, nhất là với nghệ thuật truyền thống. Múa rối, nhìn bên ngoài cứ tưởng là giàu, mà thực ra cũng nghèo và đang khủng hoảng nhiều thứ.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Bao nhiêu năm qua, từ kho tàng di sản quý báu rối nước cổ truyền của tổ tiên để lại, các đoàn Rối đã chắt lọc, dàn dựng mười mấy trò cổ để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, nhưng hầu như đều giống nhau về nội dung và hình thức biểu diễn.

Tuy gọi là khôi phục rối nước cổ truyền nhưng do biến động lịch sử, năm tháng thời gian, các nghệ nhân lão thành nhất là các cụ am hiểu cặn kẽ tinh thông trò Rối cùng cách chế tạo bộ máy con rối hầu như chẳng còn ai. Vì vậy, sự chuẩn mực trong tạo hình con rối từ hình dáng đến màu sắc trang phục khó chính xác.

Việc đưa các chất liệu hiện đại như: Sơn bóng, bột phát quang, cao su, mica... có mặt tích cực làm trò diễn hấp dẫn hơn, “nịnh mắt” người xem hơn tuy nhiên yếu tố cổ truyền, mộc mạc giản dị vốn có của rối nước lại bị mai một.

Ở những tích trò cổ của cha ông xưa, các phường rối cổ truyền đều bí mật cách làm bộ máy, chỉ một vài nghệ nhân cao niên nắm bí quyết cách làm nên khi các cụ "khuất núi", trò đó cũng thất truyền.

Số lượng tích trò thống kê được có tranh ảnh, băng ghi hình minh họa lên tới hàng trăm trò nhưng rất khó khăn trong việc phục hồi vì bộ máy con rối các tích trò đó không còn được lưu giữ, người chế tác làm bộ máy bây giờ không thể phục chế được.

Đa phần các trò diễn đều ở dạng ký ức nhớ lại, không có hiện vật kiểm chứng. Nhiều tiết mục rối cạn nếu không rơi vào sự mô phỏng sân khẩu kịch người, bắt con rối biểu diễn tình cảm phức tạp, trò ít, lời nhiều, giáo lý khô khan, khiên cưỡng thì lại rơi vào hời hợt, dễ dãi, hình thức biểu diễn cũ kỹ lạc hậu.

Kim Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh