THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:30

Quan tâm đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số

Tháng 9 năm 2017, Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp huyện Sơn Hòa sáp nhập vào trường, hiện nay nhà trường đang đào tạo nghề phổ thông, giáo dục thường xuyên và các lớp ngắn hạn Ê đê, Tin học...

Việc thành lập Trường TCN TNDT Phú Yên là một yêu cầu cấp thiết để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề của huyện và khu vực. Từ khi thành lập đến nay, Trường TCN TNDT Phú Yên không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất – trang thiết bị, ổn định công tác đào tạo, đem lại hiệu quả trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân lao động trên địa bàn huyện Sơn Hòa.

Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất ở 3 trình độ: Trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Ngoài ra trường còn liên kết với trường Cao đẳng nghề Phú Yên, trường Cao đẳng kỹ nghệ 2 TP.Hồ Chí Minh đào tạo các lớp trung cấp.

Năm 2013, nhà trường chính thức đào tạo trình độ Trung cấp với 6 nghề đã đăng ký hoạt động dạy nghề gồm: Nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm; Điện dân dụng; Kỹ thuật máy nông nghiệp; Hàn; May thời trang và nghề Kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy vi tính. Thời gian đào tạo là 2- 3 năm. Trong đó, có 2 nghề trọng điểm cấp quốc gia là nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm và Kỹ thuật máy nông nghiệp.

Dạy nghề may ở trường TCN TNDT Sơn Hòa

 Đối với trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, hiện nay nhà trường đã đăng ký hoạt động dạy nghề cho 8 nghề, gồm: Điện dân dụng, Kỹ thuật Hàn, May công nghiệp, Trồng và nhân giống nấm, Trồng mía đường, Trồng sắn, Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò và Kỹ thuật chế biến món ăn.

Bà Nguyễn Thị Thu Tâm-Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã mở được 5 lớp sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên với tổng số 156 học viên, trong đó có 130 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Bao gồm 1 lớp nghề phi nông nghiệp là nghề may thời trang (26 học viên) và nghề nông nghiệp là nghề trồng mía, trồng nấm, trồng sắn (130 học viên).

Ông Hoàng Văn Hải-Trưởng phòng đào tạo nhà trường đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế một số trường hợp học viên sau học nghề để tìm hiểu về công việc làm của họ hiện nay. Đến gia đình chị Ngô Thị Lê Hồng ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên là học viên học lớp trồng nấm năm 2017. Sau khi học nghề, Chị Hồng đã tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành về ứng dụng vào nuôi trồng nấm tạo thêm thu nhập cho gia đình. Gia đình chị Hồng đa tận dụng nguyên liệu có sẵn như rơm, ngâm nước pha vôi ủ 1 tuần rồi cấy meo nấm, đóng khung để ở nhà nấm đảm bảo giữ độ ẩm, tưới nước ngày 2 lần, ủ khoảng 2 tuần là nấm đã đã mọc ra rồi. Theo chị Hồng, hiện nay giá 1kg nấm là 100.000 đồng, mỗi đợt chị thu khoảng 10kg (1 triệu đồng), liên tiếp 3-4 đợt mới cấy lại. Với nghề đơn giản, tận dụng nguyên liệu có sẵn không quá nhọc công đã tạo thêm thu nhập hàng tháng cho gia đình.

Giờ thực hành nghề điện dân dụng

Chị Trần Thị Oanh cũng học lớp Kỹ thuật chế biến món ăn về nhà mở tiệm làm bánh kem, nhu cầu người mua cho sinh nhật, tiệc cưới cũng khá nhiều nên  thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đối với nghề nông nghiệp như ông Ma Nam cũng ở xã Sơn Nguyên năm 2013 tham gia học lớp trồng mía đường do Trường TCN TNDT Phú Yên mở. Trong thời gian học 3 tháng ông đã được giáo viên nhà trường truyền đạt kiến thức về trồng mía bao gồm các đặc điểm sinh vật học cơ bản của cây mía, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mía, cách vệ sinh đồng ruộng, làm đất để trồng, các biện pháp chăm sóc, quản lý phòng trừ dịch hại trên cây mía. Sau khi học xong ông đã áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất trên diện tích 5 ha của gia đình. Kết quả, so với trước kia năng suất mía cao hơn 20 – 30 tấn trên 1 ha, hàng năm mang lại thu nhập cho ông khoảng 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ra ông còn hướng dẫn các hộ khác trong thôn áp dụng những kiến thức mà mình đã học.

Ông Hoàng Văn Hải cho biết, không chỉ tự tạo việc làm, Nhà trường còn kiên kết với các doanh nghiệp như Công ty Tấn Minh là đối tác của Công ty KCP hợp tác với trường đào tạo nghề, sau khi đào tạo ra làm việc cho công ty. Hay như liên kết với Công ty May Phong Phú ở Tuy Hòa đào tạo nghề may, có sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty và theo dõi, hướng dẫn tay nghề cho các em phù hợp với việc làm tại công ty. Sau khi các em học xong được nhận về công ty làm việc.

“Nhà trường luôn đặt mục tiêu đảm bảo học viên có việc làm sau đào tạo khoảng 75%. Nên chúng tôi luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó hướng đến đào tạo nghề có địa chỉ, dự báo được việc làm mới mở lớp”-Ông Hải nhấn mạnh.

 

 

 

 

 

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh