THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:53

Mái ấm của trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi

Trong 12 cháu trẻ mồ côi tàn tật hầu hết đều do cha mẹ bỏ lại ở trước cổng Trung tâm, có 1 cháu bị câm điếc, 3 cháu bị bại não, còn lại bị đao. Chỉ có một cháu lớn bình thường là Võ Thị Hải T., năm nay 16 tuổi, đã học hết cấp 2, được Trung tâm cho đi học nghề may thiết kế thời trang tại Trường Cao đẳng nghề Phú Yên.

Hải T. quê ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa. T. không biết đến bố mình hiện nay là ai, ở đâu, chỉ biết có mẹ, nhưng bị bênh tâm thần ở nhà. Cháu sống ở Trung tâm từ lúc lọt lòng mẹ đến nay đã được các cô, chú tại Trung tâm nuôi dưỡng, cho đi học phổ thông và học nghề. Nơi đây chính là mái ấm tình thương nuôi dưỡng T. lớn lên từng ngày. T. ước muốn sau khi học nghề xong được các cô chú ở đây hỗ trợ tìm việc làm tại Công ty May xuất khẩu Phú Yên để có thu nhập, tự lập nuôi sống bản thân và dành dụm phần nào để chăm sóc mẹ bị bệnh ở quê nhà. Chị Nga - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện có một cán bộ Trung tâm trước đây cũng có hoàn cảnh mồ côi, được nuôi dưỡng, học hành tại Trung tâm, sau khi trưởng thành được nhận vào Trung tâm làm việc, nay là Trưởng phòng Nuôi dưỡng của Trung tâm.

Chị Trần Thị Ngon và chị Nguyễn Thị Linh Phương là hai nhân viên trực tiếp nuôi dưỡng các cháu mồ côi tại đây chia sẻ, công việc chăm sóc các cháu cũng khá vất vả. Vì nhiều cháu bị bệnh tâm lý thần kinh không ổn định, la hét cả ngày đêm, có cháu bị bại liệt không tự vệ sinh được, các chị phải thức trắng đêm để chăm sóc các cháu. Nhưng bằng tình thương và trách nhiệm của mình, cả những kỹ năng được đào tạo, tập huấn từ các lớp theo Đề án 32 về chăm sóc đối tượng xã hội, các chị nắm bắt được tâm lý của các cháu để xử lý tình huống nhã nhặn, thích hợp. Lâu dần rồi cũng quen, chính các cháu và các chị đã tạo thành một mối quan hệ không chỉ công việc của người làm công ăn lương mà còn gắn bó như là gia đình, là mái thứ hai không thể tách rời.   

Các trẻ em mồ côi, tàn tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và BTXH Phú Yên

Đối với chế độ nuôi dưỡng, chị Nga - Giám đốc Trung tâm cho biết, các cháu mồ côi ở đây nuôi dưỡng được thực hiện đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn cho từng đối tượng. Tổ chức 3 bữa ăn trong ngày chu đáo có chất lượng, theo từng bệnh lý, đối tượng trẻ mồ côi mức 810.000 đồng/tháng/người.

Ngoài ngân sách Nhà nước cấp để nuôi dưỡng các cháu mồ côi, Trung tâm còn liên hệ với các đơn vị hỗ trợ thêm quà bánh sinh hoạt hàng ngày cho các cháu vào dịp Lễ, Tết nguyên đán, trung thu, Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Đặc biệt có sự tài trợ của Công ty Xăng dầu - Dầu khí Phú Yên cho các các cháu mồ côi 60.000 đ/tháng.

Chị Nga tâm sự, ở đây các cháu trẻ mồ côi luôn được các mẹ chăm sóc tận tình, chu đáo, yêu thương như chính con ruột của mình. Không chỉ làm việc bằng tấm lòng của người mẹ, người cha, cán bộ và nhân viên phục vụ của Trung tâm luôn được nâng cao nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn theo Đề án 32 do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên tổ chức hàng năm về nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ em mồ côi, tàn tật. Vì vậy mà các chị làm công tác phục vụ, nuôi dưỡng ở đây khá vững tin với nghề nghiệp của mình. 

Chị Trần Thị Ngon, nhân viên nuôi dưỡng các cháu mồ côi, tàn tật cho biết, chị công tác ở đây đã 13 năm. Thu nhập khoảng 3,4 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập không cao, nhưng chị vẫn chọn nơi đây là công việc gắn bó với mình. Chị tâm sự, muốn làm được việc tốt ở đây, đòi hỏi người phục vụ phải có tình thương, hiểu tâm lý trẻ em để biết cách ứng xử phù hợp với mọi tình huống, hoàn cảnh. Chị cũng đã được đào tạo, tập huấn theo Đề án 32 do Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức nên nắm bắt được kỹ năng chăm sóc trẻ em khuyết tật và đối tượng bị tâm thần.

Có thể nói, không gì phức tạp bằng phục vụ cho người tàn tật nặng, nhưng các nhân viên không ngại khó khăn gian khổ tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho các cháu tận tình, chu đáo. Chăm từng miếng cơm, bón từng ngụm nước cho các cháu lúc ốm đau như chính người thân trong gia đình của mình. Ngoài ra còn làm vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở của các cháu gọn gàng, sạch sẽ, tạo cảnh quang môi trường ở Trung tâm thông thoáng, sạch đẹp.

Các bộ phận khác của Trung tâm cũng phối hợp chăm sóc các cháu tận tình, chu đáo. Như Phòng Y tế - phục hồi sức khỏe của Trung tâm luôn có kế hoạch vệ sinh phòng bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trong đơn vị. Thường xuyên theo dõi sức khỏe khám, chữa bệnh những bệnh thông thường từ 3 đến 5 ngày cho 660 lượt người trong 6 tháng đầu năm 2018. Đề xuất Lãnh đạo đưa những trường bệnh nặng đến Bệnh viện đa khoa Tỉnh điều trị kịp thời. Bộ phận cấp dưỡng đi chợ mua hết tiêu chuẩn cho các cháu, luôn đề phòng ngộ độc thực phẩm, tận tụy ngày đêm không quản ngại mưa nắng đến từng phiên chợ mua thực phẩm tươi sống về chế biến, cải tiến kỹ thuật nấu ăn từng bữa cơm hợp với khẩu vị các cháu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh