Phú Yên: Hỗ trợ vốn tạo việc làm cho người mù ổn định cuộc sống
- Dược liệu
- 01:33 - 31/10/2020
Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phú Yên chia sẻ, vào năm 2011, Hội được phân bổ 50 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm. Theo quy định cho vay lần đầu không quá 5 triệu đồng/hộ, thế nhưng để tìm ra đối tượng vay, công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn. Khi đặt vấn đề vay vốn đối với người mù, cả hội viên và chính quyền địa phương đều lo ngại về việc hoàn trả vốn, hội viên còn tư tưởng mặc cảm tự ti, không có lòng tin về bản thân, mặc dù hầu hết người mù đều có nhu cầu vay vốn. Đứng trước khó khăn đó, Ban thường vụ Tỉnh hội, cùng với thường trực Hội người mù Huyện Đông Hòa đã dành nhiều thời gian đến nhà động viên, khích lệ, phân tích, dẫn chứng hiệu quả của việc vay vốn ở các hội tỉnh bạn… Kết quả có 10 hộ đăng ký vay, nguồn vốn dùng chăn nuôi bò thịt, nuôi gà, làm bánh tráng…
Đến tháng 8/2011, Tỉnh hội phê duyệt dự án cho 10 hộ vay, người mù bắt đầu có công việc, có định hướng, sống tự tin lạc quan, tích cực chăn nuôi, sản xuất. Kết thúc thời gian vay vốn 24 tháng, tất cả hộ vay đều có sinh lời, hội viên vô cùng vui mừng phấn khởi, từ mô hình hiệu quả này chương trình vay vốn bắt đầu được triển khai rộng khắp, lan tỏa đến nhiều hội viên khác trong tỉnh. Sau 3 năm, 5 năm dần dần hội viên nhận thấy tầm quan trọng của việc vay vốn và có hàng trăm người mù xin đăng ký vay, có hội viên vay lần 2, lần 3. Đến nay, qua 10 năm thực hiện, Tỉnh hội quản lý 502 triệu đồng, 100% Hội Người mù các huyện thị đều có hội viên vay vốn, nhiều người mù nhờ đó vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chương trình vay vốn quỹ quốc gia về việc làm đến nay triển khai 200 dự án, thu hút 368 lao động. Có 168 dự án đã hoàn thành, tất cả đều cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, chăn nuôi, sản xuất có sinh lời, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, thu nhập ổn định, cuộc sống khá giả. Không chỉ vậy, kết thúc các dự án việc trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng luôn đảm bảo thời gian và số tiền vay. Có 23 hộ vay vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay còn 32 dự án, triển khai ở 5 Huyện -Thị Hội, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động. Như vậy qua 10 năm thực hiện chương trình, Hội người mù tỉnh Phú Yên đã cho vay xoay vòng số tiền gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 368 lao động và không có nợ quá hạn.
Điển hình như Hội người mù Thị xã Đông Hòa, qua công tác vay vốn Thị hội Đông Hòa giúp nhiều hội viên có việc làm, vươn lên thoát nghèo, hiện nay tỷ lệ hội viên là hộ nghèo của Thị hội chiếm 8,8%, thấp nhất toàn tỉnh. Hay Hội Người mù huyện Phú Hòa, đã lập dự án cho 42 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Một trong những đơn vị hội triển khai chương trình tốt nhất trên địa bàn tỉnh là Hội Người mù huyện Tuy An, Ban quản lý dự án thường xuyên theo dõi, động viên khích lệ hội viên vay vốn, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo, có 7 hộ thoát nghèo bền vững, cuộc sống ổn định khá giả. Hiện nay vẫn còn 19 hộ đang thực hiện dự án với số tiền 342 triệu đồng.
Ông Hoàng Tự Điển phấn khởi chia sẻ thêm về kết quả vốn vay giải quyết việc làm cho hội viên: Trong những năm đầu thực hiện cho vay vốn, Hội quy định cho vay không quá 5 triệu đồng, sau dần dần nâng lên mức vay 10 triệu đồng, hiện nay mức vay cao nhất của hình thức vay phát triển kinh tế gia đình là 30 triệu đồng. Những quy định của Hội luôn thay đổi linh hoạt theo chính sách của Nhà Nước để phù hợp với xu thế, khả năng, điều kiện từng địa phương, từng gia đình, giúp hội viên từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững như hội viên: Nguyễn Diện, Trần Thượng ở huyện Tây Hòa; Nguyễn Văn Lẽ, Lê Thị Chi, Đặng Văn Hoa, Đặng Quang Vinh ở huyện Phú Hòa; Hội viên Trần Bình Cư, Đỗ Văn Châu, Nguyễn Hồng Hải, Huỳnh Tấn Thành ở TX.Đông Hòa; Hội viên Nguyễn Nhật Tùng, Dương Thị Kim Thảo, Phạm Ngọc Hòa, Nguyễn Thanh Bình, Lê Tấn Bụi, Phạm Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Hoàng Hạnh ở huyện Tuy An.
Ngoài nguồn vốn vay của Hội, hội viên người mù còn được vay vốn qua các kênh khác như: Quỹ xóa đói giảm nghèo; Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân. Nhờ vậy mà nhiều hội viên có thêm nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ phát triển kinh tế gia đình.