An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm
- Tây Y
- 21:30 - 20/10/2020
Bước đầu kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19
Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ: Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt. Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; các lĩnh vực khoa học công nghệ, lao động và việc làm đạt một số kết quả nhất định. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước được kiện toàn, tinh giản biên chế đạt kết quả bước đầu. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng; chính sách người có công, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; giảm nghèo đi vào thực chất hơn. Công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo. Thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động y tế cơ sở có tiến bộ, y tế dự phòng được tăng cường; giáo dục và đào tạo từng bước đổi mới, đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi quốc tế.
Cải cách tư pháp đã được thực hiện khá đồng bộ, kịp thời. Nhiều vi phạm pháp luật và tội phạm được xử lý nghiêm; một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, điều tra và đưa ra xét xử, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, tham mưu tốt hơn các vấn đề chiến lược; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn, quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng, ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do.
Bổ sung giải pháp phòng, chống đại dịch, phục hồi kinh tế
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Về công tác triển khai chính sách, cần rà soát, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; làm rõ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Về tăng trưởng kinh tế, ứng dụng của khoa học, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến cần được phân tích rõ hơn; đánh giá thêm hiệu quả của liên kết vùng trong phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, các đô thị lớn chưa trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển.
Về sản xuất công nghiệp, sản xuất công nghiệp đạt kết quả cao, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò động lực, tuy nhiên còn thiếu sản phẩm công nghiệp có thương hiệu, sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trong nước chưa phát huy hiệu quả. Đề nghị báo cáo rõ hơn về công tác xây dựng quy hoạch và phương án bảo đảm an ninh năng lượng.
Về sản xuất nông nghiệp, chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp được cải thiện, tuy nhiên năng suất lao động còn thấp, nguồn vốn phân bổ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, thiếu nguồn lực để thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, tuy nhiên còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền.
Về hoạt động thương mại, thương mại trong nước được cải thiện, tuy nhiên, cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. "Đề nghị báo cáo thêm về việc ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại; công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ; công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử…", Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh nói
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm về vốn đầu tư, thu - chi ngân sách nhà nước, lĩnh vực ngân hàng; phát triển cơ sở hạ tầng; quy hoạch; hoạt động doanh nghiệp; công tác xây dựng pháp luật; tư pháp; giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; lao động, việc làm; lĩnh vực y tế - dân số; phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; các lĩnh vực khác như khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương; công tác phòng cháy, chữa cháy, tai nạn, ùn tắc giao thông, tín dụng đen, an ninh trật tự, tội phạm mạng, quản lý thông tin trên internet, buôn bán ma túy; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em... cần được quan tâm hơn.
Xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 - 2025 thận trọng
Đối với một số định hướng lớn cho giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, để có cơ sở vững chắc, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại đến xuất khẩu; nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi ích người tiêu dùng.
Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; tăng cường liên kết với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Hoàn tất sắp xếp lại DNNN, bảo đảm công khai, minh bạch trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước; xử lý dứt điểm yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sắp xếp, cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp…
Về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, về mục tiêu tổng quát, đề nghị bổ sung nội dung về y tế, giáo dục - đào tạo, và triển khai các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Về các chỉ tiêu, cần báo cáo rõ về cơ sở đề xuất các chỉ tiêu mới; nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu mang tính tổng hợp, định lượng hơn, lưu ý các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, như tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, suy dinh dưỡng trẻ em…